Câu chuyện của một nhân viên nhút nhát

Vẫn biết môi trường đi làm rất khắc nghiệt, nhưng với một người nhút nhát như Lan, dường như mọi việc còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Lan học chuyên ngành dược phẩm, đã từng bôn ba trải qua vài nghề làm thêm thời sinh viên, trong đó có cả trình dược viên nhưng dường như ở lĩnh vực nào cô cũng không thành công. 

Lan thông minh, học giỏi nhưng lại nhút nhát không mạnh dạn từ bé. Cô không dám giơ tay phát biểu xây dựng bài, ngồi học rất thụ động và không dám hỏi gì thầy cô giáo ngay cả khi có khúc mắc; cùng lắm chỉ hỏi những bạn bè thân thiết xung quanh. Đến lúc đi làm, cô vẫn mang cái phong cách ấy vào trong công việc. 

Hồi đi làm thêm, tuy hiểu biết và có kiến thức nhưng cái tính không dám nói và làm khiến năng suất công việc của cô không cao như bè bạn. Dĩ nhiên cô không được đánh giá cao. Ra trường, với tấm bằng loại ưu và kiến thức vững vàng cô dễ dàng xin vào làm tại một công ty sản xuất dược phẩm của Anh. Công việc của cô không cần nhiều đến kỹ năng giao tiếp và ăn nói. Nhưng việc ít nói của cô đã khiến cô gặp khá nhiều khó khăn trong khi làm việc. 

Là một công ty nước ngoài nên việc phải tiếp xúc và làm việc với những người nước ngoài là điều tất yếu. Lan có thể đọc và hiểu tiếng Anh dễ dàng, nhưng về phần nghe nói thì cô có yếu hơn. Thêm bản tính nhút nhát, cô chẳng dám nói nhiều cũng như không dám bày tỏ ý kiến. Đến cả nói tiếng Việt cũng là điều cô ngại ngần, huống chi là nói tiếng Anh. Cô sợ mình nói sai, sợ mình trở thành tâm điểm bị chú ý, bởi tất nhiên nếu nói chuyện cô sẽ là người bị chú ý. Chính vì cái sự không mạnh dạn và ngại nói nên cho dù Lan đã tham gia khá nhiều khóa học tiếng Anh mà khả năng nghe nói của cô vẫn không tốt. 

Mới ra trường và chưa có kinh nghiệm nhiều trong công việc, giờ đây là nhân viên của một công ty lớn với nhiều lĩnh vực mới lạ và hiện đại, Lan phải học hỏi nhiều thứ. Đáng lẽ cô phải hỏi han và xin sự trợ giúp của những nhân viên đi trước mới đúng, nhưng là một người ít nói và khó hòa đồng, cô không dám hỏi ai, chỉ tự mình xoay xở. 

Mọi việc cô tự mình học hỏi lấy, nghiên cứu tài liệu, tìm tòi. Điều đó cũng tốt, nhưng im lìm quá khiến mọi người rất khó nói chuyện với cô, mà cô thì sẽ mất nhiều thời gian và công sức để hiểu được một vấn đề mà đôi khi chỉ cần hỏi một câu là có thể hiểu hết. Cô tự biện hộ “mọi người ai cũng có việc bận và công việc của riêng mình, việc gì tự mình làm được thì sẽ tự làm, không nên làm phiền mọi người”. Nhưng đâu phải lúc nào tự mình ngồi nghiên cứu cũng là tốt. 

Lan làm việc trong một nhóm có 10 người, trong đó chỉ có hai nữ, cô và một chị nữa. Nên dĩ nhiên cô thân với chị. Hai người cũng khá hợp tính nhau trong cách sống và suy nghĩ, vì thế làm việc cũng dễ dàng hơn. Nhiều chuyện hai chị em có nói với nhau, cả công việc, cả tình cảm, cả bạn bè và những vụn vặt trong cuộc sống. Cô thấy thoải mái khi nói chuyện với chị, không có cảm giác ngại ngần và ngượng ngập.

Khi đi họp, Lan thường đùn đẩy chị phải đứng lên trình bày, trong khi cô thừa biết đó là cơ hội để mình thể hiện năng lực trước sếp. Có ý tưởng mới, cô không dám nói với sếp. Cô nói với chị, và dĩ nhiên chị là người đứng lên trình bày cho sếp biết. Mỗi lần dự án kết thúc hay có thưởng, cô biết phần của chị luôn nhiều hơn cô. Và sự nhìn nhận của sếp và các đồng nghiệp nữa chứ. 

Lan biết mình phải chịu nhiều thiệt thòi cho điều đó, nguyên nhân và cách khắc phục ra sao cô cũng biết, mà hiện tại cô vẫn chưa làm gì để thay đổi. Lan biết ưu và nhược điểm của mình, nhưng dù cố gắng cô vẫn chưa thể nào thắng được cảm giác sợ hãi khi phải đứng trước đám đông, khi cần trình bày, khi là nguời đưa ra ý kiến và phải bảo vệ ý kiến của mình. 

Đợt xét tăng lương này của công ty không có tên Lan, mặc dù cô đã cố gắng và làm rất nhiều. Cô không thể hiện được khả năng trước sếp. Làm sao sếp nhận thấy khả năng của cô được, trong khi người đại diện cho cô hầu như là chị làm cùng nhóm: Người thuyết trình trước sếp, người đưa ra ý kiến, người báo cáo… thêm nữa cô lại thể hiện là một người thụ động, ai bảo gì làm đấy, trong mắt sếp có lẽ cô chỉ là một nhân viên bình thường hoàn thành nhiệm vụ chứ không hề có một ưu điểm nổi trội nào ngoài việc đi làm rất đúng giờ. 

Lan thoáng nghĩ đến khả năng xin nghỉ việc để tạo một cơ hội mới cho mình, vì cô nghĩ biết đâu với những người mới mình sẽ thể hiện khác đi, sẽ mạnh dạn hơn, sẽ thế này, sẽ thế kia, sếp cũng sẽ khác… Nhưng nếu đi đến đâu mà cô vẫn không thay đổi, vẫn nhát thế thì cô sẽ phải chuyển chỗ làm bao nhiêu lần nữa?

Lời khuyên dành cho một nhân viên nhút nhát:

Cố gắng tập nói ở nhà. Tập nói năng cho lưu loát, trình bày ý kiến sáng sủa rõ ràng.

Tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động của công ty, các câu lạc bộ để gặp gỡ thêm nhiều người.

Tự tin với bản thân mình, theo kiểu AQ cũng được: Ai cũng thế thôi, cần quan tâm làm gì nhiều thế chứ. Sau vài lần bỏ qua như thế, bạn sẽ thấy việc phải nói trước mặt người khác, làm những gì theo bạn là “kỳ quái” và “ngại ngại sao ý” cũng chẳng kỳ cục lắm đâu. 

Tạo mối quan hệ tốt và thân thiện với mọi người, không phải là thân với người khác khiến bạn dễ nói chuyện hơn hay sao? Nếu khó khăn trong việc nói trực tiếp, hãy nói qua email, chát, messenger trước. Nhưng đừng có mà thân thiết quá mà trở thành lố bịch, nhất là với sếp, không thì sẽ bị đánh giá là nịnh nọt đấy. 

Dù sao mọi chuyện đều cần phải cố gắng, và thay đổi một thói quen hay bản tính là điều vốn dĩ rất khó khăn nhưng không có nghĩa là không làm được.


  • 24/07/2019 03:39
  • Nguồn: Dân trí
  • 3307