Cạnh tranh lành mạnh trong tổ chức, doanh nghiệp: Để tạo động lực lớn

Ở nước ta hiện nay, cạnh tranh lành mạnh được xã hội thừa nhận và có tác động tích cực tới thái độ, hành vi, hành động của hầu hết các cá nhân, tổ chức, địa phương… Cạnh tranh lành mạnh đòi hỏi sự công bằng, chính trực, không chỉ phải tuân thủ pháp luật mà còn cần phù hợp với các chuẩn mực, đạo đức xã hội. Vấn đề đặt ra là, trong nội bộ doanh nghiệp (DN), tổ chức, có cần cạnh tranh không và vì sao lại chỉ chấp nhận sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh?

Cạnh tranh cần công bằng...

Theo tôi, trong mỗi DN hay tổ chức công quyền, hành chính sự nghiệp, cũng cần cạnh tranh, song phải đảm bảo nguyên tắc và tiêu chí cạnh tranh công bằng, lành mạnh vì:

Ảnh minh họa.

Một là, cạnh tranh công bằng là một phương pháp, điều kiện đánh giá, tuyển chọn nhân sự, tìm ra và xếp hạng các ứng viên một cách khách quan, lành mạnh và hiệu quả nhất. Đây là cơ sở chọn lựa nhân tài, chọn người xuất sắc nhất để trao giải thưởng, bổ nhiệm cán bộ… đã được thừa nhận. Với ý nghĩa đó, thi đua chỉ là một phần của cạnh tranh nội bộ và không có vai trò, tác dụng bằng cạnh tranh công bằng. Sự công bằng, bình đẳng giữa các ứng viên tham gia là điều kiện quan trọng nhất và có nghĩa tương đương với cạnh tranh lành mạnh. Khái niệm cạnh tranh lành mạnh còn có hàm ý tuân theo các quy luật tự nhiên và cần trở thành một thói quen, thành một đặc thù của văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp (VHDN).

Hai là, cạnh tranh công bằng là tạo ra động lực như nhau cho mọi người lao động, giúp cho người lao động tập trung vào công việc, giữ chân được người tài, tăng cường hợp tác, góp phần nâng cao năng lực của bản thân và của cả đội, nhóm, mang lại lợi ích cho cả cá nhân và tập thể.

Ba là, cạnh tranh công bằng là một xu thế, là đòi hỏi tất yếu của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, có quan hệ giữa bên trong và bên ngoài DN và tổ chức. Chúng ta không thể dùng các ưu đãi nội bộ, các rào cản phi chính thức để hạn chế cạnh tranh, để “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, mà phải hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế, sự quản trị minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Nói cách khác, cạnh tranh công bằng trong nội bộ sẽ tạo ra thái độ đúng, năng lực cạnh tranh với bên ngoài, buộc các DN trong nước phải chú trọng xây dựng VHDN, tạo nền tảng và các chuẩn mực cho sự đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Điều kiện thực thi

Nói một cách dễ hiểu, sự cạnh tranh công bằng trong các nền kinh tế thị trường, đòi hỏi phải có các điều kiện sau: (1) có một luật chơi (luật lệ, thước đo) công bằng, (2) có sân chơi công bằng, bình đẳng (3) có trọng tài công bằng. Thêm nữa (4), sự cạnh tranh lành mạnh, có ý nghĩa “thuận tự nhiên” còn đòi hỏi những người tham gia có trình độ năng lực tương đương như cùng lứa tuổi, cùng giới tính, cấp độ/đẳng cấp; không để “đội ngoại hạng” đấu với “đội hạng 2, hạng 3”.

Hiện nay, cạnh tranh công bằng, lành mạnh bên trong và bên ngoài tổ chức nhìn chung đang là một mục tiêu, là một tiến trình đang hướng tới, chưa phải là tình hình thực tế. Để thực thi, hoàn thiện nhiệm vụ cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ DN, tổ chức, nhất là đối với hệ thống EVN, cần chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thành những việc sau đây:

1- Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. EVN và các đơn vị phải chủ động, tích cực hoàn thiện phương thức, phong cách cạnh tranh công bằng, bình đẳng ở trong và ngoài hệ thống của mình, tuân thủ nghiêm luật pháp, hướng tới các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Cần đặc biệt chú ý đến công tác tổ chức - cán bộ và quản trị nguồn nhân lực.

2- Xây dựng và quản trị VHDN theo các giá trị, chuẩn mực công bằng, bình đẳng, đoàn kết, chia sẻ… tạo động lực cho nhân viên và kiến tạo môi trường, triết lý và điều kiện phát triển bền vững của DN. Muốn các giá trị, chuẩn mực trên trở thành các thói quen, đức tính và bản sắc của DN, đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải tuyên truyền mạnh và phải gương mẫu, kiên trì thực hiện trong mọi công việc và sinh hoạt hàng ngày.

3- Cần thực hiện nghiêm túc đồng thời cả hai hình thức “xây” và “chống” trong xây dựng VHDN và quản trị DN lành mạnh, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo và sự phát triển xuất sắc của các cá nhân và tổ chức. Về “xây,” chúng ta cần chủ động tạo ra cả 4 điều kiện thực hiện cạnh tranh công bằng, lành mạnh, chú trọng xây dựng một đội ngũ cán bộ xuất sắc, khen thưởng thành tích kịp thời, tôn vinh các gương lao động sáng tạo, xuất sắc, có tinh thần đồng đội, hoạt động hiệu quả. Về “chống”, cần phòng ngừa, cấm, khắc phục, sửa chữa mặt trái của cơ chế cạnh tranh nói chung, cạnh tranh trong nội bộ tổ chức nói riêng, loại bỏ các ưu tiên, ưu đãi quá mức, mất đi sự công bằng xã hội (ví dụ, chính sách ưu tiên trong tuyển chọn vào đại học, trong tuyển dụng của một số DNNN...).

EVN và các đơn vị phải có các công cụ hữu hiệu, các giải pháp phát hiện sớm, xử phạt nghiêm minh, kịp thời và loại trừ thái độ thiếu trung thực, thiếu liêm chính và các hành vi làm trái, hình thức và đối phó với các giá trị, chuẩn mực công bằng, bình đẳng, lành mạnh trong thi đua, cạnh tranh. Chẳng hạn, đó là các thủ đoạn, hành vi, thói quen xấu, phản nhân văn như, nhận xét và báo cáo không trung thực, nói xấu sau lưng, tung tin giả, tạo sự kiện cáo vô căn cứ với đối thủ hoặc lãnh đạo, lạm dụng chức quyền, quan hệ với lãnh đạo là người nhà hoặc thân quen, xin xỏ và chạy chức, chạy quyền cửa sau, mua chuộc, hối lộ…


  • 21/09/2018 05:42
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7941