Cần khơi dậy tiềm năng sáng tạo của người lao động

Trong những năm qua, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong EVN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu động lực nào đã thúc đẩy người lao động trong Tập đoàn làm việc hăng say và sáng tạo?

Anh Trương Thái Sơn - Tổ phó Tổ Quản lý lưới điện 1, Đội Quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Chợ Lớn (EVNHCMC):

Sự tin tưởng là động lực

Sáng kiến, cải tiến, hợp lý hóa sản xuất không nhất thiết cứ phải "hoành tráng", mà chỉ đơn giản là thấy điểm nào còn bất hợp lý thì tìm cách cải tiến, sao cho đạt năng suất cao hơn. Ban đầu chỉ là những ý tưởng nhỏ “nhen nhóm”, nhưng được sự phối hợp, hỗ trợ của anh em trong tổ, đội, đặc biệt là sự ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo đơn vị, tôi đã mạnh dạn thực hiện và đã có những sáng kiến, cải tiến được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả. Sự tin tưởng của đồng nghiệp và lãnh đạo chính là động lực để tôi tiếp tục có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. 

Sáng tạo bắt nguồn từ việc thử nghiệm nhiều ý tưởng khác nhau và trong quá trình đó không tránh khỏi có những rủi ro, đòi hỏi phải biết lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp, học hỏi kinh nghiệm của những bậc tiền bối. Hơn 20 sáng kiến của tôi trong những năm qua không chỉ là kết quả của quá trình nghiên cứu của bản thân mà còn có sự tham gia của các cộng sự, là kết quả làm việc nhóm. Cùng một vấn đề, nhưng mỗi người đều có quan điểm, cách nhìn, sở trường, thậm chí cách tiếp cận riêng. Nếu tập hợp được những ý tưởng đó lại, khả năng sáng tạo của bạn sẽ được phát huy tối đa.

Anh Huỳnh Thảo Nguyên - Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Đà Nẵng:

Không thể thiếu môi trường làm việc chuyên nghiệp 

Công trình “Ứng dụng lý thuyết thống kê và hệ thống đo xa trong xây dựng biểu đồ phụ tải tại Công ty Điện lực Đà Nẵng” của tôi đã đoạt giải Nhì Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam VIFOTEC năm 2015, thuộc lĩnh vực Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Đó là kết quả của cả một quá trình 9 năm tư duy, ươm mầm và nuôi dưỡng từ ý tưởng đến hiện thực. 

Tuy nhiên, một điều phải khẳng định, tôi không thể hoàn thành Đề tài nếu không được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, thân thiện và cởi mở. Ở đó, mỗi cá nhân có thể tự do phát huy tính sáng tạo của mình. 

Tại Công ty Điện lực Đà Nẵng, mỗi nhân viên đều cảm nhận được mình là một “mắt xích” quan trọng trong một tập thể đoàn kết, gắn bó, mọi người đều được tôn trọng, được lắng nghe và chia sẻ. Mọi nỗ lực và thành quả đều được công nhận và khen thưởng kịp thời – đó là động lực giúp chúng tôi luôn tìm thấy sự hứng khởi và sẵn sàng đón nhận những thách thức mới trong công việc, phát huy được tinh thần làm việc nhóm hiệu quả. 
Theo kinh nghiệm của tôi, cần có một sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân trong suốt quá trình thực hiện đề tài, sáng kiến, sẽ có những lúc thất bại, nhưng hãy tiếp tục cố gắng, không nản lòng thì nhất định sẽ thành công. 


  • 24/12/2016 10:30
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1648