Cách khen thưởng nhân viên hiệu quả

Sáng tạo các hình thức thi đua, khen thưởng nhằm tạo ra không khí làm việc sôi nổi, duy trì thái độ tích cực, tạo động lực cho nhân viên là cách làm được nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới chú trọng.

Ảnh minh họa.

Lập danh sách nhân viên ấn tượng

Vinh danh nhân viên với những thành tựu mà họ đạt được bằng kỷ niệm chương hoặc bảng vinh danh là một trong những hình thức khen thưởng của Acuity - một công ty dịch vụ tài chính gần 900 nhân viên ở Mỹ. Công ty này mỗi năm đều lập ra bảng “100 thành tích ấn tượng nhất năm” cho phép mọi phòng ban trong công ty đề xuất, đánh giá, bỏ phiếu và chọn ra những thành tựu ấn tượng nhất mà đội ngũ nhân viên công ty đạt được. Bảng thành tích được phát hành dưới dạng sách và phát miễn phí tận tay là cách mà công ty công nhận thành quả lao động của nhân viên.

Một lời cảm ơn chân thành

Cindi Leive - Tổng biên tập tạp chí Glamour từng cho biết, khi bà mới bước chân vào làng báo, bà đã nhận được lời khuyên chân thành từ một vị sếp: "Hãy đếm lại số lời khen bạn đã dành cho những người xung quanh, rồi cố gắng tăng gấp đôi con số đó".

Từ đó tới nay, Leive luôn thực hành theo lời khuyên ấy và bà nhận xét rằng ngay cả những nhân viên có vẻ cứng cỏi hay lạnh lùng nhất cũng thường xuyên muốn nhận được một lời khen từ sếp. Bởi trong mỗi con người luôn tồn tại sự khao khát được công nhận, được tự hào sự cố gắng của họ mang lại giá trị cho tổ chức. Do đó, đôi lúc một lời cảm ơn chân thành về những đóng góp của nhân viên từ lãnh đạo cao nhất đã là phần thưởng không gì so sánh được.

Hơn nữa, khi ngân sách eo hẹp, không cho phép lãnh đạo “vung tay” trao những phần thưởng mang giá trị vật chất lớn, thì những khích lệ về tinh thần sẽ là giải pháp hợp lý nhất và hiệu quả có thể còn hơn cả mong đợi.

Tặng nhân viên những đặc quyền ưu tiên

Những đặc quyền dành cho các cấp lãnh đạo luôn tạo sự tò mò đồng thời cũng là động lực phấn đấu khiến nhân viên cấp dưới nỗ lực vươn lên tại hãng công nghệ Intel. Ở Tập đoàn công nghệ này, việc chia sẻ một trong những đặc quyền của lãnh đạo đến nhân viên xuất sắc nhất là một ý tưởng khen thưởng rất thiết thực và hiệu quả. Ví dụ: Nhân viên vượt chỉ tiêu và đạt doanh thu cao nhất cuối mỗi tháng sẽ được hưởng quyền lợi lựa chọn một ngày làm việc từ xa mà không cần trực tiếp đến trụ sở Công ty. Điều cần lưu ý là ban lãnh đạo phải đưa ra chỉ tiêu rõ ràng và chọn lọc để không gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc của nhân viên.

Để nhân viên cắt giảm khối lượng công việc theo ý muốn

Ai cũng có lúc cảm thấy chán nản hoặc cảm thấy công việc hiện tại không còn phù hợp với mình và họ cần sự thay đổi để vượt qua tâm lý đó. Nếu trao cho nhân viên đặc quyền được thay đổi công việc hiện tại trong một giới hạn nào đó và lãnh đạo sẽ là người giúp đỡ họ trực tiếp trên vị trí, công việc mới thì đây sẽ là một ý tưởng khen thưởng khá sáng tạo và có thể áp dụng tại bất kì doanh nghiệp lớn, nhỏ nào. Việc cấp trên cũng có thể trở thành một đồng nghiệp, hỗ trợ những công việc vốn là nhiệm vụ hàng ngày của nhân viên sẽ trở thành nguồn động viên vô cùng ấn tượng và tạo ra tâm lý thoải mái ở nhân viên. Nhiều công ty lớn trên thế giới cũng đang áp dụng hình thức khen thưởng này như “gã khổng lồ” Microsoft, Google và Facebook.

Tuy nhiên, để công việc của tổ chức không bị đảo lộn, hãy đưa ra quy định giới hạn các công việc nhân viên có thể lựa chọn thay đổi. Các nhà quản lý nên nhớ rằng, mỗi nhân viên đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, do đó, tạo dựng niềm tin của nhân viên là “chiếc chìa khóa vạn năng” giúp nhân viên phát huy tối đa năng lực tiềm ẩn của bản thân.


  • 22/12/2017 05:39
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 7417