Cách dạy con của nhà văn Nguyễn Anh Đào

Bạn đã từng nghe ai đó nói phương pháp giáo dục con trẻ "không dạy gì cả" bao giờ chưa? Chắc chắn là chưa, bởi không dạy gì cả thì đồng nghĩa với việc bạn "bỏ con ngoài chợ" vậy, nhưng phương pháp lạ lùng này bất ngờ nhận được phản hồi có thực từ nhà văn Nguyễn Anh Đào.

Dành sự ưu tiên về thể chất và tinh thần cho con trẻ

Trong việc nuôi dạy con cái của mình, nữ nhà văn cho biết bản thân luôn ưu tiên việc rèn thể chất cho con, tiếp đó là tinh thần. Hằng ngày chị rất ít khi đặt áp lực trong chuyện dạy những đứa trẻ, thay vì hỏi "con mấy điểm", chị lại trò chuyện với con của mình bằng những câu nghe nhẹ nhàng hơn "hôm nay con thấy vui không?". 

Với chị chỉ cần những đứa trẻ của mình vui là được, ở nhà hay ở trường cũng vậy và các bé đều hiểu rằng muốn vui vì được cô khen thì bản thân cần hoàn thành hết bài học, còn ở nhà muốn vui vẻ thì cần phải làm xong những việc vặt phụ mẹ.

Đừng bao giờ phó mặc việc dạy con trẻ cho một ai

Trước sự thực nhiều phụ huynh ngày nay mải tham gia vào chuyện kiếm tiền, bận rộn đủ điều với công việc ngoài xã hội mà quên luôn cả trọng trách nuôi dạy con cái hoặc đơn thuần là áp đặt luôn sự phát triển con cái cho nhà trường, cho một đối tượng nào đó. Nhà văn Nguyễn Anh Đào khá hào hứng khi chia sẻ quan điểm của bản thân.

"Mình đang "phó mặc" cho nhà trường đấy, thật ra trong thâm tâm mình, việc học ở trường quan trọng thật, nhưng không phải tất cả đâu, chỉ cần hỏi bài này con hiểu không, con làm được không, chúng bảo được, thì mình chẳng còn quan tâm nữa. Thời gian còn lại mẹ con cứ chơi với nhau, chứ trong nhà mình chưa bao giờ có những giờ học căng thẳng giữa mẹ và con. Tuy nhiên, vẫn phải lắng nghe con hàng ngày chứ không thể bỏ mặc cho ai khác được. Vì một khi bạn bỏ mặc chúng quá lâu, có những lỗi mà bạn muốn sửa cho chúng, lại quá muộn mất rồi".

Đừng áp đặt thành tích cho trẻ

Bệnh thành tích luôn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, trong cuộc sống có không ít phụ huynh cứ nghiễm nhiên thấy con họ được cái này được cái kia lại bắt con mình bằng con họ, vậy mà cha mẹ chẳng hề quan tâm con cái mình có thích hay không. 

Khi chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chị Đào kể lại: "Mình từng gặp một phụ huynh có con 5 tuổi, tìm một cô giáo mĩ thuật và phỏng vấn bằng cấp cô các kiểu, sau mới bảo là họ vừa làm một bài "sinh trắc vân tay", kết quả thấy bé cho chiều hướng nghệ thuật, thế là vội vàng tìm giáo viên có trình độ cao để đào tạo bé từ nhỏ, kiểu như đào tạo thần đồng í. Tự dưng mình thấy thương bé, mỗi tuần đến lớp vẽ hai ngày chỉ để miệt mài tô màu, sau mỗi buổi học bố mẹ đến đón đều kiểm tra xem bài vở con học hôm nay thế nào, khiến cô lẫn trò đều khá căng thẳng. Trong khi bao bạn khác ở giờ mĩ thuật chỉ là giờ các bạn chơi và sáng tạo theo ý mình".

Theo kinh nghiệm dạy con của mình, nữ nhà văn cũng khẳng định rằng trẻ con nếu muốn nó phát triển bình thường thì phải cho chúng chơi, tinh thần thoải mái thì chúng mới có thể tiếp thu bài học tốt được. Khi bạn áp đặt chúng vào một thành tích nào đó đồng nghĩa với việc bạn đang kìm lại sự phát triển của chúng với một điều khác mà chúng thật sự mong muốn được học.

Hãy tập cho trẻ cách sử dụng công nghệ hiệu quả

Ngày nay nhiều trẻ nhỏ hay được cha mẹ nuông chiều bằng cách cho sử dụng các thiết bị điện tử từ nhỏ, việc này sẽ ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh trong sự phát triển tự nhiên của một đứa trẻ. Nhất là việc không kiểm soát được thời gian và cách sử dụng phù hợp sẽ sao nhãng việc học hành, thậm chí là học theo một số trò tiêu cực khi các bé xem không được chọn lọc.

Với hai bé nhà mình, chị Đào cho biết: "Bé nhà mình vẫn sử dụng điện thoại, nhưng không cho phép sử dụng vô tội vạ. Bé lớn có máy tính để viết văn, học tiếng Anh, để tra google thông tin bé cần và coi những phim bé thích vào giờ nhất định. Bé nhỏ mình cũng cho sử dụng máy tính bảng để chơi game và game gì thì mình kiểm soát. Mình nghĩ không thể cấm bé 100% được, nhưng cứ cho bé sử dụng có sự kiểm soát thì cũng không sao. Vì mình nhận thấy những thứ bé học được khi sử dụng máy tính nhiều khi vượt xa những kiến thức mà bản thân mình có thể truyền tải".

Thật ra nếu mỗi phụ huynh luôn chú ý một chút trong việc nuôi dạy con trẻ thì có lẽ cho con dùng hay không các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính sẽ chẳng phải là vấn đề đáng lo ngại. Đề cử như trong cách dạy con của chị Đào, có thể chị nói phương pháp của mình là "không dạy gì cả" nhưng chị luôn là một người mẹ kỹ tính, rèn con luôn hướng đến những điều tốt đẹp nhất mà không phải lo con có áp lực hay không.


  • 23/10/2019 09:15
  • Nguồn: Trí thức trẻ
  • 1486