Ca trực đầu năm

Hít hà khí trời một cách sảng khoái, nhìn người người vẫn còn đi du xuân, nó bất giác mỉm cười, hôm nay là ca trực đầu năm mới của hai bố con nó. Nhớ trước khi đi, mẹ cho bao nhiêu thứ vào cặp lồng, rồi còn "ấn" thêm túi dưa góp: “Thiếu cái này là bố mày không ăn đâu đấy!”. Nó nháy mắt hý hửng: “Tý con sẽ bắt bố ăn hết phần mẹ đưa cho”. Xe đã đi rồi, mẹ vẫn dõi nhìn theo hai bố con.

Mẹ đã quá quen với cảnh này rồi. Lấy bố bao nhiêu năm, số lần bố ăn Tết đầy đủ đếm trên đầu ngón tay. Bố nó là trạm trưởng trạm biến áp đồng nghĩa bấy nhiêu năm ăn Tết ở trạm, một mình mẹ lo toan ở nhà, còn bố bận việc ở trạm vì dòng điện, vì đảm bảo trọn vẹn ánh điện sáng cho người dân. Nói đúng hơn bố đón Tết ở trạm nhiều hơn ở nhà. Tết là dịp quan trọng, phải đảm bảo cấp điện cho nhân dân đón Tết nên càng không thể lơ là, phải ứng trực thường xuyên. 

Ca trực đầu năm luôn mang nhiều cảm xúc đối với CBCNV ngành Điện. 

Khác với không khí rộn rã bên ngoài, âm thanh trong trạm vẫn tiếng ò ò của máy biến áp và tiếng rì rì quen thuộc của thiết bị. À, phải nói hôm nay trạm có khác hơn khi có đồ trang sức mới là cây đào trong phòng điều khiển trung tâm. Nói "nhân cách hoá" là xuân đã gõ cửa vào phòng trực vận hành. Cây đào điểm thêm một màu sắc mới, tô thêm nét hồng yểu điệu trước những máy móc thô cứng. Nhiều nụ đào vẫn còn e ấp, chưa bung nở hết.

Sau khi đi kiểm tra thiết bị, bố trao đổi thông tin với ca trực trước và ký nhận ca. Hôm nay bố trực chính, nó trực phụ. Đúng hơn thì ca trực đầu năm này nó và bố là đồng nghiệp. Hai đồng nghiệp ca trước đã giao ca rồi vẫn ngoái lại trêu đùa “Hôm nay hai bố con quản lý cả trạm đấy nhé!”. Nó dí dỏm cười tươi “Gánh cả trên vai điện mấy huyện chứ ạ!”. Khi đã khoác lên bộ quần áo màu vàng thì có nghĩa nó cũng khác, không còn náo nức hớn hở với không khí Tết nữa, mà bắt đầu với công việc thường ngày của người lính vận hành.

Ngồi bên máy tính, "đồng nghiệp lớn" của nó vẫn luôn quy tắc và khó tính trong công việc. Bố đang đọc mấy công văn, làm các báo cáo; rồi đi kiểm tra các thông số vận hành của thiết bị. Nói chung không khi nào hết việc. Thỉnh thoảng "đồng nghiệp lớn” nhắc nó đi kiểm tra thiết bị, xem xét có công văn nào mới lại đọc và truyền đạt cho nó nghe, hiểu. Cứ như vậy, mỗi lần đi ca với "đồng nghiệp lớn” là một buổi học thực sự.

Thiết bị, rơ le cụ thể ở đây nên có thể giảng giải dễ hiểu hơn. Ngoài những công việc trong ca trực "đồng nghiệp bố" lại chỉ bảo cặn kẽ, giải thích những điều nó chưa hiểu, các sự cố trạm thường xảy ra cách phòng tránh, xử lý. Bố luôn là người cần cù trong công việc. Với cán bộ công nhân viên trong trạm cũng vậy, ông luôn truyền đạt hết những điều mình biết. Ở cái tuổi sắp về hưu, cống hiến bao nhiêu năm trong nghề, ông có nhiều kinh nghiệm cũng như hiểu rõ bệnh “đỏng đảnh” của những thiết bị này rồi.

Ca trực tám tiếng đã qua. Thở phào nhẹ nhõm vì không có sự cố gì xảy ra.  Người đến trực ca sau lại hỏi ân cần “Hai bố con đã ăn gì chưa đó?”. Lại một câu hỏi quen thuộc như mẹ nó thường ngày. Người ở trạm luôn như anh em một nhà. Bố ở lại sau giờ giao ca vài phút để nói chuyện, uống nước với mấy anh. Và nó biết trong câu chuyện nán lại vào những ngày Tết bận rộn không chỉ đơn thuần hỏi thăm mà còn có cả mục đích nhắc nhở anh em không uống rượu bia trong ca. 

Bạn bè đã bắt đầu ý ới, gọi điện. Cũng không vội vàng nó vẫn an nhiên thả hồn theo khí trời xuân. Mưa xuân bắt đầu rơi lất phất, cúi vội xuống sau tấm lưng bố nó gật gù “Cứ đi ca như thế này thích bố nhỉ, con lại có người chở đi chở về”. Tiếng bố vọng trong tiếng mưa “Bố không thể theo con suốt cuộc đời được, sẽ có chỗ dựa mới cho con”. Mắt nó chợt xa xăm, không phải vì cái chỗ dựa mới mà bố bảo. Nó hiểu điều ước quan trọng của mình cho năm mới “Mùa Xuân ơi có lấy đi tuổi tác của các đấng sinh thành, thì xin hãy để lại sức khoẻ nhé!”. Nó chúc cho bố mẹ luôn mạnh khoẻ và không quên cầu mong cho công việc của hai bố con "nhà vận hành" luôn được an toàn, ổn định.


  • 24/02/2018 06:00
  • Hoàng Hồng Nhung
  • 1977