CEO và những “chiêu” động viên nhân viên

Tăng lương và thăng chức không phải lúc nào cũng có tác dụng tốt trong việc động viên và giữ nhân viên làm việc lâu dài cho doanh nghiệp. Thực tế có những cách làm “là lạ” và không mất quá nhiều tiền bạc để khiến nhân viên làm việc tích cực hơn và yêu mến doanh nghiệp hơn…

1. Khởi xướng một chương trình đề bạt các “CEO nhỏ”

Khi một nhân viên có một ý ưởng mới cho kinh doanh, Brian Halligan, Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Hubspot, một công ty phần mềm tiếp thị ở Boston, có thể miễn nhiệm nhân viên đó khỏi công việc hiện tại và bổ nhiệm anh ta vào vị trí “mini- CEO” cho công ty hay đơn vị kinh doanh mới được thành lập từ ý tưởng mà anh ta vừa sáng tạo ra.

“Mục đích là tạo ra một tổ chức “phẳng” có ít cấp bậc, từ đó thúc đẩy tính sáng tạo của nhân viên. Chúng tôi muốn trao quyền cho các bộ phận quan trọng của tổ chức, và chúng tôi muốn để cho những nhân viên thực sự hiểu khách hàng tự đưa ra các quyết định”, Halligan giải thích.

2. Xây dựng một mô hình kinh doanh vui vẻ

“Khi niềm vui và sự hài hước trở thành một phần thường xuyên của công việc, các nhân viên sẽ hiểu nhau hơn và chia sẻ với nhau như những con người thực sự”, Paul Spiegelman, CEO của Beryl Companies, chia sẻ.

Ở công ty của mình, Spiegelman đã lập ra một bộ phận có tên gọi “Phòng của những nhân sự tuyệt vời và những niềm vui” (“Department of Great People and Fun”), “Ngày Pajama” (tức ngày nhân viên được ăn mặc thoải mái) và “Ngày của những trang phục thập niên 1970” (“Dress like the 70s’ day”).

“Những ý tưởng này không thích hợp cho nhiều môi trường làm việc, nhưng mục đích chính của chúng tôi là thường xuyên tạo ra những niềm vui nho nhỏ cho nhân viên”, Spiegelman giải thích.

3. Tạo điều kiện để nhân viên sở hữu công ty

Doanh nghiệp đã có bao giờ nghĩ về việc tạo điều kiện để nhân viên sở hữu công ty? Foss Miller, nhà sáng lập của Sawbones Worldwide, đã làm điều đó vào mùa Giáng sinh năm 2010 với “Chương trình Sở hữu cổ phiếu dành cho nhân viên” (Employee Stock Ownership Program - ESOP).

“Mục đích của chương trình này là để động viên nhân viên, gắn liền lợi ích của họ với lợi nhuận, thành công của công ty. Rất nhiều nhân viên của chúng tôi đã làm việc cho công ty trong nhiều năm. Chúng tôi muốn họ có một cuộc sống thoải mái hơn khi về hưu”, Miller chia sẻ.

4. Làm điều gì đó “điên rồ”

Eric Ryan, nhà sáng lập của Method, một công ty sản xuất xà phòng và các sản phẩm làm sạch ở San Francisco, nghĩ rằng việc đưa thêm một số hoạt động độc đáo vào văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp khơi nguồn cảm hứng cho nhân viên để họ có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn.

Bản thân Ryan từng sẵn sàng ăn mặc như một con sóc, tổ chức những buổi tiệc nhảy múa tự do (Flash Mob Dance Parties) ngay trong văn phòng. “Điều đó nhắc nhở các nhân viên rằng họ đang được làm việc trong một môi trường thật sự đặc biệt”, Ryan nói.

5. Gửi thư viết tay cho nhân viên

Stanley McChrystal từng có thời gian phục vụ quân đội Mỹ và là sếp của hàng chục ngàn quân nhân. Nhưng điều đó không làm cho ông có khoảng cách với cấp dưới của mình.

McChrystal cho biết ông đã gửi hơn 2.000 lời nhắn viết tay để cảm ơn cho các đội quân của mình mỗi năm.

“Tôi từng nhận được những lời nhắn viết tay để cảm ơn từ những người đã nhận được các mẫu tin nhắn viết tay của tôi. Tôi cũng tìm thấy nhiều mẫu tin nhắn viết tay của mình được các chiến sĩ lồng vào khung kính rất trang trọng và đặt nơi họ đóng quân”, McChrystal kể lại.

6. Tạo điều kiện để nhân viên ngủ trưa

Điều này nghe có vẻ không hợp lý, nhưng một giấc ngủ ngắn có thể là một cách tuyệt vời để động viên nhân viên. Trên thực tế, rất nhiều công ty có quy mô lớn cũng như nhỏ đã tạo ra “phòng nghỉ cho nhân viên” để họ có thể tranh thủ “đánh giấc” trong một thời gian ngắn, thậm chí chỉ 15 phút, khi quá căng thẳng hay mệt mỏi.

Zephrin Lasker, CEO của Pontiflex, một công ty phát triển phần mềm ứng dụng cho điện thoại di động, có trụ sở ở Brooklyn với 60 nhân viên, đã chuyển một căn phòng đặt máy chủ thành một phòng nghỉ trưa. Laser chia sẻ: “Tôi rất tin tưởng vào tác dụng của một giấc ngủ ngắn. Nó giúp nhân viên tái tạo năng lượng. Bản thân tôi cũng làm việc sáng tạo hơn sau những giấc ngủ ngắn”.

7. Tham vấn cho nhân viên

Các chương trình tham vấn giúp nhân viên gắn kết hơn với tổ chức và xây dựng quan hệ tốt đẹp với nhiều nhân viên khác không liên quan trực tiếp đến công việc chính của họ. Ở Allen & Gerritsen, một công ty tư vấn xây dựng chiến lược thương hiệu có trụ sở ở Watertown, Massachusetts, ngay cả CEO cũng có một người cố vấn chiến lược công nghệ với 22 năm kinh nghiệm.

“Chúng tôi có một đội ngũ nhân sự rất đa đạng. Chúng tôi luôn cảm thấy rất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chúng tôi cũng có một đội ngũ quản lý cao cấp và bộ phận nhân sự luôn luôn tìm thấy những lý do để chúc mừng nhân viên và tạo cho nhân viên những cơ hội để có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, một nhân viên của Allen & Gerritsen tự hào nói về môi trường làm việc của mình.


  • 27/04/2016 11:17
  • Nguồn bài: pace.edu.vn
  • 1558