Bi hài chuyện gọi điện thoại báo ứng viên... không trúng tuyển

Khi nhận điện thoại báo thi trượt, nhiều ứng viên bình tĩnh và cảm ơn. Có ứng viên trượt còn nhờ tìm chỗ mới. Nhưng cũng có ứng viên bị trượt đã trút ấm ức trong lòng, chê bai cách tuyển dụng...

Nhiều trạng thái tiếp nhận 

Nguyễn Ngọc Quyên, nhân viên phòng hành chính nhân sự tại một công ty phân phối đèn trang trí nhập khẩu ở Q.3, TPHCM cho biết, công ty mình vừa tuyển nhân viên kinh doanh. Sau vòng phỏng vấn, có hai người không trúng tuyển nên cô gọi điện thông báo trực tiếp.

Nhiều người biết chuyện bật cười, cho rằng đó là việc không cần thiết. Không nhận được thông báo đến nhận việc thì trước sau gì họ cũng biết, đâu cần phải gọi điện thông báo. 

Quyên vẫn băn khoăn trước tình huống này. Cũng từng là người đi xin việc, cô nghĩ, trúng hay rớt cũng rất cần được phản hồi, tránh việc thấp thỏm chờ đợi, để chủ động đi tìm hay nhận việc nơi khác. 

Việc thông báo rớt tuyển cũng xảy ra tình huống dở khóc dở cười. Chị Ngô Minh, làm việc tại một công ty bảo hiểm chia sẻ, bản thân chị nhiều lần gọi điện trực tiếp thông báo cho ứng viên rớt tuyển, trải qua nhiều phản ứng khác nhau của ứng viên. 

Nhiều người nhận tin rất bình tĩnh, còn cảm ơn, hẹn dịp khác có duyên hơn với nhà tuyển dụng. Có ứng viên còn chủ động đề nghị chị biết nơi nào phù hợp với CV của mình, nhờ chị giới thiệu qua. Nhưng có ứng viên nghe báo rớt, liền được dịp trút hết mọi ấm ức trong lòng, chê công ty, chê cách tuyển dụng, tỏ thái độ có trúng cũng chẳng thèm vào làm.

"Có một vài trường hợp khác thì thể hiện nghiêng về cảm xúc: "Chị vui lắm à, rảnh lắm à mà người ta rớt còn gọi điện báo?". Câu đáp trả này làm tôi "đứng hình", chị Minh nói. 

Chọn hình thức trung lập

Việc thông báo cho ứng viên sau phỏng vấn dù trúng hay không đều là việc cần làm và là phép lịch sự. Qua đó thể hiện sự chuyên nghiệp của nhà tuyển dụng. Kể cả không trúng tuyển nhưng hầu hết ứng viên vẫn đánh giá cao nhà tuyển dụng có phản hồi đến họ kịp thời. 

Tuy nhiên trên thực tế, không ít doanh nghiệp, xong việc của mình là "bơ" luôn những người không trúng tuyển làm ứng viên chờ mòn mỏi rồi phải tự biết mình rớt. Trừ những trường hợp có thông báo từ ban đầu: "Chỉ những ứng viên trúng tuyển mới được nhà tuyển dụng gọi điện thoại tới".

Anh Nguyễn Quý Dũng, Phụ trách tuyển dụng của công ty điện máy T., ở Gò Vấp, TPHCM cho biết, việc thông báo cho ứng viên không trúng tuyển là nên làm, nhưng cũng cần cân nhắc hình thức, cách thức thông tin.

Trước đây anh cũng gọi điện thông báo nhưng sau vài "pha" hú hồn khi ứng viên thể hiện bực bội, thiếu lịch sự, anh nhận thấy hình thức gọi điện thông báo chưa phải là hay. Anh chuyển sang gửi email thông báo kết quả tuyển dụng cùng lời cảm ơn họ đã họ đã tham gia ứng tuyển vào công ty. 

Với cách này theo anh, ứng viên nhận được phản hồi mà không phải đối diện, nói chuyện với nhà tuyển dụng trước một kết quả không lấy gì làm vui vẻ với họ. Nhà tuyển dụng cũng không phải chứng kiến thái độ, phản ứng này nọ của ứng viên. 

"Nhà tuyển dụng cũng không phải là chuyên gia tâm lý hay ngôn ngữ. Gọi điện thiếu khéo léo, không kiểm soát được lời nói có thể làm ứng viên tổn thương, bức xúc. Hoặc đúng lúc tâm trạng họ đang "khó ở" thì có thể gặp phản ứng ngược. Gửi email vừa tôn trọng, vừa kịp thời lại tránh khó xử cho nhau", anh Dũng chia sẻ.

Chị Đậu Phương Anh, phụ trách tại một công ty sản xuất bao bì ở TPHCM cho biết, mỗi đợt tuyển dụng của đơn vị có thể lên tới cả trăm người. Do đó, việc thông báo đến từng ứng viên rớt tuyển là việc rất khó thực hiện chỉn chu. Mất nhiều thời gian, nhân lực, chưa kể gặp những ứng viên khó chịu lại bị nghe ăn mắng. Bên chị khắc phục bằng cách khi ứng viên tham gia tuyển dụng, ở vòng ngoài hay vòng phỏng vấn, họ đều có thông báo cụ thể thời hạn sau 3 - 5 ngày, không tuy không liên lạc thì có nghĩa là không trúng tuyển. 

Link gốc


  • 26/05/2021 02:43
  • Nguồn: https://dantri.com.vn/
  • 1070