Bàn về văn hóa điện thoại

Tôi và bạn cùng bàn đến chuyện sử dụng điện thoại như thế nào cho hiệu quả, nói chuyện điện thoại như thế nào cho có văn hóa.

Ảnh minh họa

Sau 30 năm, kể từ khi chiếc điện thoại di động đầu tiên ra đời, đến nay, chức năng của điện thoai di động đã thay đổi một cách chóng mặt: IPhone 5 không chỉ chuyển âm thanh, lời nói mà còn chuyển cả hình ảnh tới 2 người đối thoại. Thế giới đã được nối kết với nhau một cách tuyệt vời! Tình yêu, chiến tranh hay hòa bình, chuyện giá cả, chuyện kinh doanh, thăm hỏi sức khỏe nhau, chuyện hẹn hò… tất cả đều qua điện thoại.

Ông bà ta dạy rằng: “ Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, hay là: “Lời nói không mất tiền mua; lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chim khôn, người khôn – phải biết lựa lời, bây giờ lời nói qua điện thoại đã mất tiền mua rồi đấy, mỗi phút , mỗi giây đều có giá của nó. Nhưng cái giá lớn hơn đó là Văn hóa, là nhân cách con người thể hiện trong lời nói qua điện thoại.

Tôi có cô bạn được giao nhiệm vụ trực điện thoại “nóng” - trả lời thắc mắc của khách hàng qua điện thoại ở một Điện lực khu vực. Khi giao nhiệm vụ này, Giám đốc căn dặn: Cô thay mặt tôi mà nói chuyện với khách hàng, nói như thế nào để khách hàng hiểu, tin và yêu cả 800 CBCNV của Điện lực chúng ta.

Cô bạn tôi đã làm việc tận tụy và luôn ghi nhớ lời căn dặn đó. Cho đến khi cô gần đến tuổi về hưu rồi mà cơ quan vẫn không tìm được người thay thế. Thì ra nói qua điện thoại là nghiệp vụ mà cũng là… nghệ thuật, phải rèn luyện, tu dưỡng và phải học hỏi không ngừng.   

Không chỉ trong thực thi Văn hóa doanh nghiệp, cuộc đối thoại giao tiếp thông thường cũng vậy thôi. Lời nói thể hiện trạng thái vui, buồn, yêu, ghét, giận hờn, thể hiện cả tính cách của bạn và tôi, thể hiện cả con người của chúng ta đối với người nghe. Có cả lời “chào”, lời “cám ơn”, lời “hẹn gặp lại”, nhưng với từng ngữ điệu khác nhau, người ta có thể hiểu đó  là chân thành hay giả dối. Có cả sự nhẹ nhàng, chỉn chu, trau chuốt đường mật đấy! Nhưng người nghe vẫn phát hiện ra đó là những lời khuôn sáo, mang tính xã giao.

Vậy điều người đầu dây bên kia cần là gì? Đó là cái lịch sự tối thiểu, là thông tin chính xác, ngắn gọn, là tình cảm chân thành.
- Tôi xin bạn 1 phút để trao đổi về vấn đề này
- Vâng, tôi nghe.

Có lần tôi gọi điện báo tin gấp cho 1 người bạn, sau tín hiệu đổ chuông là 1 bài vọng cổ nổi lên, rất lâu sau… mới có tiếng alô trả lời! Cách chọn nhạc cài trong điện thoại cũng thể hiện tính cách con người đấy thôi.

Xem ra, yêu cầu giao tiếp trong điện thoại cũng phức tạp, cũng có nhiều cái để bàn. Để cuộc gọi thành công, thỏa lòng người gọi, vui lòng người nghe, tạo ấn tượng tốt để đến với nhau nhiều hơn… cũng là điều rất khó. Bởi đây thuộc lĩnh vực tâm lý, trình độ nhận thức con người, mà nói đến con người thì phức tạp vô cùng. Không biết ông tổ phát minh ra điện thoại Alexander Graham Bell  có nghĩ đến vấn đề này khi giao thành quả lao động  của mình cho thế hệ sau sử dụng?.
 


  • 21/10/2013 03:57
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề QL&HN
  • 2598


Gửi nhận xét