Bạn có biết cách luyện giọng để nói chuyện hay hơn?

Khi nghe những MC, chính trị gia, các diễn giả nói, bạn cảm thấy luôn có một sức hút toát ra từ giọng nói của họ. Ông bà ta đã từng nói “người thanh tiếng nói cũng thanh”, chưa nhìn thấy người, chỉ cần nghe giọng nói đã có một ấn tượng nhất định về người nói. Đủ thấy rằng, việc có một giọng nói hay quan trọng như thế nào trong cuộc sống cũng như trong công việc của bạn.

Khi nói về chất giọng của các MC, diễn giả, bạn nghĩ: “Chà, không hiểu sao họ lại có giọng nói hay, rõ ràng, mạch lạc đến thế. Quả là trời phú…” Đây thực chất là một suy nghĩ sai lầm, vì những người như thế chưa chắc đã có một chất giọng đẹp bẩm sinh, mà phần nhiều do tập luyện mà nên. Bạn hoàn toàn có thể có được chất giọng như thế, nếu chịu khó tập luyện theo các bước:

1. Luyện tập phát âm rõ ràng

Để phát âm rõ ràng, bạn phải tập đọc mỗi ngày khoảng chục trang sách, đọc thật kỹ từng chữ đến khi nào ta nhập tâm đến nỗi trong khi nói chuyện bình thuờng ta cũng phát âm kỹ lưỡng từng chữ là thành công. Nếu khi nói chuyện với mọi người mà còn phát âm vội vã, chưa tròn chữ thì phải luyện tập tiếp.

Tập phát âm để sửa các lỗi như L-N, S-X, TR-CH… Do đặc trưng vùng miền, nhiều bạn vẫn bị mắc lỗi này khi nói chuyện. Bạn nên sửa dần dần vì khi bạn nói chuyện với bạn bè thì không sao, nhưng nói chuyện với người thuộc địa phương khác hoặc trong các cuộc giao tiếp trang trọng, đây là lỗi cực kỳ lớn và nhiều khi dẫn đến hiểu lầm.

2. Làm chủ âm lượng và tốc độ nói 

Âm lượng: Hẳn chúng ta đã từng thấy khó chịu khi nghe ai đó nói quá to hoặc không mấy ấn tượng với những người nói quá nhỏ. Nói quá to thường bị cho là thô lỗ, nói quá nhỏ thì bị xem là tự ti, nhút nhát…vì vậy, hãy luyện tập để có giọng nói rõ ràng, vừa đủ nghe. Để xem mình nói đã vừa nghe hay chưa có nhiều cách. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến một vài người bạn hoặc ghi âm lại giọng nói rồi tự mình cảm nhận. Trong câu nói cũng nên có điệu trầm bổng, nhấn nhá để tạo sự thu hút từ người nghe. Tránh nói chuyện bằng giọng đều đều, buồn ngủ.

Tốc độ nói: Cũng như âm lượng, người nói nên tránh tiết tấu đều đều suốt từ đầu đến cuối. Phải có lúc nhanh hơn một chút, phải có lúc chậm hơn một chút, thậm chí có lúc ngưng hẳn để mọi người suy nghĩ. Đặc biệt là khi vừa đặt ra một câu hỏi, kể chuyện đến một tình tiết nào đó và đang chuẩn bị chuyển qua một tình tiết mới. Sự dừng lại này là một cách thay đổi không khí nói chuyện, giúp người nghe tập trung hơn vào bạn. Nói nhanh quá làm cho người nghe phải tiếp nhận một lượng thông tin lớn trong một thời gian ngắn khiến cho não họ không xử lý, phân tích, đón nhận kịp, và khiến họ bị quá tải, nghe vài phút là mệt. Ngược lại, nói quá chậm cũng làm bộ não người nghe không cần phải làm việc nhiều, và cũng sinh buồn ngủ. Ta phải khéo điều chỉnh tốc độ sao cho vừa phải, đừng nhanh, nhưng cũng đừng rề rà quá.

3. Tạo ngữ điệu êm ái

Ngữ điệu là sự trầm bổng của các tiếng phối hợp với nhau, phù hợp đến mức nào đó với tình cảm và ý nghĩa cần biểu đạt. Ngữ điệu không đòi hỏi phải lả lướt như điệu nhạc, nhưng cũng rất cần sự êm ái. Một trong những cách để có một ngữ điệu êm ái là tập nói rồi ghi âm và nghe lại giọng nói của mình để tinh ý nhìn ra những độ cao chưa phù hợp. Ngoài ra thì việc thỉnh thoảng cất giọng hát một giai điệu yêu thích nào đó cũng là cách rất hiệu quả để luyện ngữ điệu.


  • 10/02/2017 11:11
  • Nguồn: kynangbanhang.edu.vn
  • 2609