Ba tôi đã từng là thợ điện

Tôi còn nhớ như in tháng năm mới tập tành viết những câu văn đầu tiên của cuộc đời mình với đề bài: "Nghề nghiệp của bố em" của môn Tập làm văn. Nhận được đề, tôi đã cười thầm trong bụng rằng, quyển văn mẫu mà mẹ hay dùng chỉ mình học sẽ có bài này. Và mình chỉ cần mở sách ra nắn nót chép vào thôi. Chắc chắn sẽ được điểm cao.

Ba tôi và góc làm việc "nho nhỏ" của mình

Nhưng, "Bố em là bác sĩ", "Bố em là giáo viên", "Bố em là bộ đội",... mà tuyệt nhiên không có bất kì bài nào viết về "Bố em là thợ điện". Lúc đó, tôi đã phụng phịu nói với ba rằng: "Nếu ba là bác sĩ, giáo viên, bộ đội hay bất kì ngành nghề nào có sẵn trong Văn mẫu thì bây giờ có lẽ con đã đỡ khổ hơn nhiều".

Và rồi, những dòng văn ngô nghê đầu tiên được nắn nót bởi cô học trò nhỏ cùng với sự giúp sức bởi những câu chuyện nghề của ba đã hình thành nên trong tôi những nét chấm phá đầu tiên về ngành Điện. Tôi bắt đầu thích thú khi được nghe những câu chuyện đi làm hằng ngày của ba, về những điều tuyệt vời mà điện đem đến cho nhân loại. Hay chỉ đơn giản là niềm vui của mọi người khi có điện và khi được ba tôi sửa điện cho.

Tuổi thơ tôi là những ngày cùng mẹ giao cơm đến trạm cho ba trong những ca trực. Tôi đã từng tự hào khoe với tất cả các đứa bạn trong lớp rằng, ở trạm ba tao có mấy cây cột điện to như những tòa nhà cao tầng. Nơi làm việc của ba tao là những bức tường đầy rẫy những nút công tắc xanh đỏ và máy móc chằng chịt vây quanh. Nếu mà bọn mày được đến đấy thì chắc hẳn bọn mày sẽ cảm nhận được nguồn điện đang chạy xung quanh mình. Tôi thích thú khi lũ bạn trầm trồ về những thứ tôi kể, điều đó làm tôi càng hăng say hơn nữa khi nói về ba. Thế nhưng, những đứa bạn của tôi sẽ không bao giờ biết được, đằng sau những điều tuyệt vời đó, là bao nhiêu sự nhọc nhằn, vất vả mà cho đến tận bây giờ, sau khi tốt nghiệp ra trường, cơ duyên và may mắn đã cho tôi được hòa mình vào màu áo cam của ngành Điện, tôi mới thấu hiểu hết được điều đó.

Tôi đã từng ao ước được cả ba và mẹ dẫn đi nhà thờ vào những dịp Giáng sinh. Tôi nghĩ, nếu cả gia đình cùng nắm tay đứng cầu nguyện trước cây thông lớn, thì mọi điều ước sẽ thành sự thật. Mỗi lần như thế, vẫn chỉ có tôi đứng cùng mẹ, và điều ước duy nhất tôi ước trong suốt thời thơ ấu của mình là: "Ước gì có ba ở đây với mẹ con con". Và dĩ nhiên, điều ước đó thì chẳng bao giờ thành sự thật, vì ngày lễ ba tôi phải đi trực.

Có lần, ba hứa cả nhà sẽ chơi cờ cá ngựa, xem pháo hoa và cùng nhau đón chào năm mới. Tôi nhớ mình đã háo hức như muốn hét lên khi tưởng tượng ra viễn cảnh vui vẻ, đầm ấm tối đó của gia đình mình. Nhưng cho đến khi pháo hoa đã tan và phía góc trái bàn cờ vẫn lạnh lẽo khuyết đi con ngựa màu xanh mạnh mẽ nhất, mà ba tôi vẫn chưa về kịp. Tôi đã khóc, khóc rất nhiều, khóc vì ba đã không giữ lời hứa, khóc vì ba đã để mẹ con tôi đón giao thừa một mình, nhưng hơn cả, tôi khóc là vì thương ba. Thương sự hy sinh của những người công nhân điện và cho cả hậu phương của họ. Để đảm bảo cung ứng điện cho mọi người sum họp đêm giao thừa, ba và những người đồng nghiệp đã phải đánh đổi sự đoàn tụ của chính bản thân và gia đình mình.

Tôi còn nhớ vào những đêm mưa bão, mẹ thường ôm chặt tôi vào lòng như sợ phải đánh mất một thứ gì đó. Mỗi khi sấm sét đánh ngang qua, mẹ bất giác siết chặt vòng tay hơn nữa. Những lúc như thế tôi lại nghĩ, mẹ thật là "trẻ con", tôi đã trấn an mẹ bằng lời nói vô cùng "người lớn" rằng: "Đừng sợ mẹ nhé, có con đây rồi".

Và rồi, khi lớn hơn một chút, vào những đêm sấm sét ấy tôi mới nhận ra rằng, mẹ tôi đã thức trắng những đêm như thế. Không phải là mẹ sợ sấm chớp, cũng không phải mẹ ôm tôi vì nghĩ tôi sợ, mà là vì mẹ thương ba. Mẹ lo cho ba. Mẹ sợ ba gặp nguy hiểm. Mẹ sợ một ngày nào đó ba cũng sẽ có tên trên bảng tin không vui sau những trận bão như những chú đồng nghiệp của ba đã từng.

Mặc dù cực là vậy, khó khăn là vậy, nhưng chưa một lần tôi thấy ba than thở hay phàn nàn. Cho đến tận bây giờ, khi mà ba đã về hưu, rời xa những cây cột điện chạm trời, nhưng tôi biết, ba vẫn chưa từng thôi nghĩ đến nó. Câu nói mà giờ đây có lẽ mẹ con tôi được nghe nhiều nhất từ ba là: "Giờ này, hồi trước, chắc có lẽ ba đang...". Giờ đây, ba không còn phải trực gác khi mưa bão, không còn phải tăng ca vào những dịp lễ Tết, cũng không phải lo lắng tức tốc chạy đi mỗi khi xảy ra sự cố. Nhưng tôi biết, tự sâu thẳm trái tim ba, ba vẫn luôn hướng về ngành Điện. Ba vẫn lo lắng mỗi khi tiết trời đột ngột xấu đi. Ba vẫn không yên lòng mỗi khi điện bất thình lình bị tắt. Ba vẫn chăm chú đứng nhìn mỗi khi thấy những người đồng nghiệp mình đang vắt vẻo trên trụ điện những ngày nắng chói chang.

Và giờ đây, niềm vui nhỏ bé của ba là hằng ngày tưới nước cho luống rau nhỏ và đợi tôi mỗi khi tôi tan làm. Ba thích được nghe tôi kể những câu chuyện nhỏ về ngành như tôi đã từng háo hức dụi đầu vào lòng ba, nghe ba kể câu chuyện về những cây trụ điện ngày xưa. Nếu là trước đây, tôi hăng say và kiêu hãnh khi kể về ba với lũ bạn trong lớp thì giờ đây, ba tự hào hãnh diện khoe tôi với các cụ già trong xóm. "Nó nối nghiệp con đấy ông ạ". Nhiều lúc tôi thầm nghĩ, hẳn phải là may mắn và cơ duyên biết bao khi cuối cùng tôi lại trở về với màu áo cam thân thương mà ba tôi đã dành cả cuộc đời để cống hiến. Có lẽ vì thế mà tôi càng thêm yêu và trân quý nghề này hơn cả bao giờ.

Ba ơi, hơn nửa cuộc đời ba đã hy sinh cho nghề, giờ đây ba hãy yên tâm để con tiếp tục ba nhé.


  • 14/08/2020 04:45
  • Anh Thy
  • 1068