Mong một lời khuyên từ Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê dành cho giới trẻ, ông nói: "Chúng ta đã có nghề nghiệp, vậy phải sống với nó, đừng để nó mai một đi mà cần xây dựng nghề nghiệp ngày càng phát triển hơn, sáng tạo hơn. Chỉ có như vậy nước ta mới có thể giàu mạnh, văn minh, theo kịp các nước trong khu vực, tiệm cận với nền văn minh thế giới. Khi hết lòng với công việc, chúng ta sẽ có được sự thanh thản, thoải mái".
Rời giảng đường, chọn công trường
Khi được biết ông Thái Phụng Nê đã từng có 10 năm học tập, tham gia công tác Đoàn thanh niên lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô và cũng là một trong số ít sinh viên được kết nạp Đảng tại nước ngoài, tôi lại càng chắc chắn liên tưởng của mình là có cơ sở. Sự gần gũi, giản dị, sôi nổi nhiệt tình, nhưng cũng nghiêm nghị, quyết đoán ở ông rất giống với “tính cách Nga”, khí chất Nga cũng như nhân vật Paven Coocsaghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga, Macxim Gorky.
Năm 1964, sau khi bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sỹ thủy công ở Trường Đại học Xây dựng Moskva (Liên Xô cũ ), về nước, ông được phân công về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đúng một tháng sau, ông xin chuyển về làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi, sau đó, tình nguyện khoác ba lô đi xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà tại tỉnh Yên Bái. Quyết định ấy đồng nghĩa với việc ông từ chối công việc nhẹ nhàng, sẵn sàng dấn thân vào nơi gian khó, hiểm nguy bởi công trường xây dựng nhà máy thủy điện Thác bà khi ấy luôn là mục tiêu ném bom hủy diệt của máy bay Mỹ.
"Tôi không có nguyện vọng gì hơn đó là làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Đó chính là nơi phù hợp với mình, sẽ giúp mình rèn luyện, trưởng thành tốt nhất" - Ông Nê nhớ lại.
Thời điểm ấy, Mỹ đánh phá miền Bắc. Công trường đã trở thành chiến trường khi máy bay Mỹ thường xuyên ném bom phá hoại. Ngoài nhiệm vụ của Trưởng phòng kỹ thuật, ông Nê được giao một súng tiểu liên 12 ly 7, được huấn luyện như một chiến sỹ thực thụ. Hệ thống giao thông hào kéo sát đến bàn làm việc, nên mỗi khi có báo động, ông cùng anh em cầm súng sẵn sàng chiến đấu. Mỗi khi máy bay địch sà xuống ném bom đều gặp phải lưới đạn phòng không dày đặc của lực lượng dân quân, tự vệ Nhà máy. Cán bộ, công nhân công trường đã lập thành tích bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Do có nhiều thành tích trong xây dựng và bảo vệ Nhà máy, ông Thái Phụng Nê đã được Quân khu II trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam (bên trái) trao Huân hương Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp cho tiến sỹ Thái Phụng Nê (năm 2013)
|
Năm 1971, sau 7 năm xây dựng trong điều kiện chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Thác Bà đã hoàn thành và đưa vào vận hành. Năm 1972, cả 3 tổ máy đã hòa lưới điện, công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà đã hoàn thành. Ngày khánh thành Nhà máy cũng là ngày ông Nê khoác ba lô lên đường đến với công trường xây dựng mới: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Khi Đảng cần…
Nhận nhiệm vụ mới, ông Nê được giao làm Trưởng Ban Quản lý, Phó bí thư Đảng ủy Ban Quản lý Công trình Thủy điện Hòa Bình. Vậy là ông lại có thêm 17 năm gắn bó, lăn lộn với nghề thủy công. Trong thời gian này, đã vài lần Ban Tổ chức Trung ương điều ông về Hà Nội, đi bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nhưng ông đắn đo và cuối cùng từ chối khéo. Ông cho rằng, học chính trị ở môi trường làm việc là tốt nhất, công trường cũng là nơi rèn luyện tốt nhất. "Không được đi học thêm, đó cũng là thiệt thòi của tôi, nhưng cũng không sao cả. Nơi nào Đảng cần là mình luôn sẵn sàng có mặt" - Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê nói giản dị như vậy.
Năm 1989, sau khi tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình bắt đầu phát điện, ông Thái Phụng Nê được điều về Hà Nội làm Phái viên của Bộ trưởng Bộ Năng lượng, phụ trách lĩnh vực thủy điện. Khi được đề nghị đảm nhận chức Bộ trưởng, ông viết thư từ chối vì cho rằng mình chưa đủ trình độ quản lý vĩ mô, nhưng cuối cùng vẫn phải đảm nhận vị trí này.
"Khi mình đã nói rõ những thiếu hụt, khiếm khuyết của bản thân mà tổ chức vẫn tin tưởng giao việc thì tổ chức đã có cân nhắc, mình phải cố gắng hết sức". - Ông Nê kể lại.
AHLĐ Thái Phụng Nê (thứ 3 từ phải sang), giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về tiến độ thi công TĐ Sơn La năm 2006
|
Chuyện ông về làm Bí thư Tỉnh ủy ở chính quê hương mình cũng vậy. Năm 1999, khi đang làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, ông bất ngờ nhận được Quyết định về làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Hai năm lăn lộn với công tác ở địa phương, ông đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao phó. Đầu năm 2001, ông Nê trở về Hà Nội, tuổi đã 65, nghĩ rằng sẽ được Nhà nước cho nghỉ chế độ, nhưng lại tiếp tục được giao nhiệm vụ Phái viên Thủ tướng Chính phủ về Dự án Thủy điện Sơn La. "Khi ấy, tôi nhận thấy nhiệm vụ này cũng phù hợp với nghề nghiệp của tôi. Mình còn sức khỏe, mình phải làm việc…" - Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê nhớ lại.
Xong công việc ở Thủy điện Sơn La, ông Nê tiếp tục được giao nhiệm vụ mới: Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Mỗi lần được gặp gỡ, làm việc với ông hay khi nghĩ về ông, tôi luôn tự hỏi: Điều gì đã tạo nên sự đam mê, nhiệt huyết cháy bỏng, hết lòng vì công việc trong suốt mấy chục năm ròng công tác? Cháy bỏng, nhưng lại không ồn ã. Khiêm nhường, nhưng cũng rất nghiêm cẩn. Đó phải chăng chính là người có cốt cách, tác phong, là suy nghĩ và hành động của một đảng viên chân chính.
Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê:
- Quê quán: xã Hòa Thắng, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
- Tham gia công tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ năm 1955, vào Đảng năm 1961.
- Các chức vụ trong Đảng đã từng đảm nhận: Ủy viên BCH Đảng bộ Ban quản lý Công trình Thủy điện Thác Bà; Phó Bí thư Đảng ủy Ban quản lý Công trình Thủy điện Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, khóa VIII; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên…
- Các chức vụ chính quyền, chuyên môn đã từng đảm nhận: Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Quản lý Công trình Thủy điện Thác Bà; Trưởng ban Quản lý Công trình Thủy điện Hòa Bình; Đại biểu Quốc hội khóa X; Bộ trưởng Bộ Năng lượng; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương); Phái viên của Thủ tướng Chính phủ; Phó trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu.
- Các phần thưởng tiêu biểu Đảng, Nhà nước trao tặng: Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh... Năm 2013, ông Thái Phụng Nê được trao huân hương Bắc Đẩu Bội tinh cấp bậc Hiệp sỹ - Huân chương cao quý nhất của Cộng hòa Pháp.
|