Anh Mã Tài tài thật!

Những vật tư tồn kho mà người khác tưởng đã vô dụng lại là “nguồn cảm hứng” đối với kỹ sư Mã Tài (Công ty Lưới điện cao thế TP Hồ Chí Minh) để thỏa sức mày mò, thử nghiệm và cho ra đời nhiều sáng kiến có giá trị.

Anh Mã Tài

Kỹ sư Mã Tài 37 tuổi, đang làm việc tại Tổ Bảo trì, Đội Quản lý Lưới điện cao thế 2 - Công ty Lưới điện cao thế TP Hồ Chí Minh, thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, với công việc chính là bảo trì mạch nhị thứ các trạm biến áp 110 kV – 220 kV do Công ty quản lý.

Gần 15 năm trong nghề, cùng với sự đào tạo, kèm cặp của Công ty, hiện nay, kỹ sư Mã Tài đã trở thành nhân viên có tay nghề cao, đi lên từ công nhân lao động trực tiếp của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh.

Anh Mã Tài đã có nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, đặc biệt là “hô biến” những vật tư tưởng chừng không còn sử dụng được trở thành thiết bị có giá trị trở lại.

Điển hình, năm 2013, anh Mã Tài cùng đồng nghiệp trong Đội Quản lý Lưới điện cao thế 2 có sáng kiến lắp bộ tiếp điểm cho cuộn RL2 máy cắt hiệu ABB Trạm 110 kV Củ Chi.

Anh Tài giải thích tỉ mỉ, theo sơ đồ mạch nhị thứ, cuộn RL2 được thiết kế hoạt động để giám sát nguồn điều khiển máy cắt, vì vậy nó thường xuyên ngậm điện, dẫn đến chạm chập hư hỏng. Thành thử khi cuộn RL2 hỏng thì không cho phép đưa máy cắt ra vào vị trí vận hành.

Theo đề xuất của đại diện kỹ thuật ABB, 2 phương án có thể tính đến là: Một, cô lập cuộn RL2 ra khỏi máy cắt. Hai, thay thế bằng cuộn mới do ABB sản xuất. Nhưng họ cũng khẳng định, phương án cô lập cuộn RL2 là không thể thực hiện được vì nguyên lý hoạt động của RL2 là giám sát nguồn điều khiển máy cắt.

Anh Mã Tài nhẩm tính, chi phí cho 1 cuộn RL2 mới theo báo giá từ ABB là 3,5 triệu đồng. Với Trạm Củ Chi thời điểm đó có 22 máy cắt hiệu ABB, vậy chi phí lên tới 77 triệu đồng.

Phải làm sao để giảm chi phí xuống thấp nhất mà vẫn giải quyết được bài toán hư hỏng cuộn RL2?

Vậy là Mã Tài cùng các đồng nghiệp Phạm Thanh Ngọc, Lữ Hoàng Trung “châu đầu” nghiên cứu tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất và các tài liệu thiết kế mạch nhị thứ hiện hữu tại Trạm khi đó.

Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng, họ đã thành công khi xử lý các máy cắt đã bị hư hỏng cuộn RL2 bằng cách gia công quấn lại cuộn dây, đồng thời, lắp thêm bộ tiếp điểm để cô lập nguồn cho cuộn RL2.

Kỹ sư Mã Tài

Sinh nhật: 13/1

Quê: An Giang

Một số hình thức khen thưởng đạt được:

- Gương điển hình tiên tiến cấp thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7, năm 2015

- Danh hiệu lao động giỏi tiêu biểu của Công đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2015

- Bằng khen của Bộ Công Thương năm 2014

Giá thành phương án này chỉ 550.000 đồng/bộ. Tổng chi phí cho 22 máy cắt nhỉnh hơn 12 triệu đồng, mà vẫn giữ được tính năng kỹ thuật cho các máy cắt.

Phần giá trị làm lợi chưa tính ra con số cụ thể là giải pháp này có thể áp dụng cho tất cả trạm biến áp 110 kV do Công ty Lưới điện cao thế TP HCM quản lý, có vận hành máy cắt trung thế hiệu ABB tương tự như Trạm 110 kV Củ Chi.

Mỗi sáng kiến của kỹ sư Mã Tài đều “ươm mầm” từ những công việc thực tế hằng ngày như vậy. Với anh, câu hỏi luôn thường trực là làm thế nào để điều hành viên làm việc thuận tiện hơn, các thiết bị vận hành an toàn, chính xác hơn.

Chẳng hạn, khi anh nhận thấy những bất tiện của relay SEL 551 có cổng truyền RS-485 được sử dụng trong một số trạm 110 kV không kết nối được với máy tính nên “nếu có sự cố, cần truy xuất dữ liệu trong relay cho điều hành viên hoặc nhóm công tác điều tra sự cố lập biên bản báo cáo lãnh đạo thì cũng đành… chào thua”.

Anh Mã Tài nảy ra sáng kiến sử dụng máy tính có sẵn cổng truyền RS-232 để kết nối với relay SEL 551 có cổng truyền RS-485, bằng cách sử dụng bộ chuyển đổi tín hiệu chuẩn IFD8500 của DELTA để chuyển đổi tín hiệu từ RS-232 sang RS-485.

Giải pháp có thể áp dụng cho tất cả relay SEL 551 có cổng truyền RS-485 hiện hữu ở các trạm, không những tiết kiệm được chi phí mua bộ chuyển đổi tín hiệu của hãng SEL mà còn tận dụng được cả 10 chiếc relay SEL 551 kiểu này đang… tồn trong kho của Công ty để lắp đặt, sử dụng trở lại.

Nghe thì đơn giản, nhưng để kết nối được, trong khi bộ chuyển đổi tín hiệu mà anh Mã Tài sử dụng không phải của SEL, nên anh  phải tự mình thực hiện các sơ đồ đấu dây giữa bộ chuyển đổi với relay và giữa bộ chuyển đổi với máy tính.

Kết quả, sáng kiến của anh giúp rút ngắn được nhiều thời gian trong công tác truy xuất dữ liệu từ relay khi có sự cố hoặc cần cài đặt relay.

Chia sẻ chuyện nghề của mình, Mã Tài cho biết, ban đầu anh được đào tạo để vận hành trạm, nhưng trong quá trình thực tập, anh lại bị “mê hoặc” bởi các mạch điều khiển, thiết bị nhị thứ rồi dần dần “ăn sâu vào máu” lúc nào không hay.

“Càng lăn lộn với nghề, càng thấy mình mê nó’ – anh chia sẻ. Công việc của các anh, phải làm đêm hôm, không kể ngày nghỉ, ngày lễ đã là chuyện thường. Sự cố có thể xảy ra bất kể lúc nào, được điều động là đi ngay thôi, ấy mà cứ rời ra là nhớ, anh bảo vậy.

Có đợt theo công trình, công việc toàn triển khai vào cuối tuần, lại nhằm lúc… nửa đêm. Vợ con ở nhà “căn giờ”, thấy cứ 10 giờ tối thứ 7 thì chồng lại xách xe đi mất, thế nên cũng từng giận hờn vì nghĩ…  anh “này nọ”.

“Riết rồi quen, giờ việc nó ngấm vào máu rồi, đành chịu vậy thôi” – anh Tài cười vui rồi chào tạm biệt để quay trở lại với những công việc quen thuộc của mình.


  • 02/03/2016 02:01
  • Hoàng Tuyết
  • 1828


Gửi nhận xét