Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt
|
Thời gian đã khiến khuôn mặt bà không còn căng tròn, mái tóc đã thưa dần, làn da nổi nhiều đồi mồi nhưng nụ cười và hàm răng trắng bóng thì vẫn nguyên vẹn. Bà đã đi qua những miệt mài, đau đáu của những tháng ngày quên ăn, quên ngủ, quên cả làm tròn thiên chức của người phụ nữ để dốc lòng hoàn thành ba “đứa con máy biến áp” của mình. Niềm hân hoan khi được đứng trên rất nhiều bục danh dự để nhận về mình những phần thưởng lớn hết sức xứng đáng cũng đã tạm lắng, để sau khi nghỉ chế độ, bà được đơn vị cũ là Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) mời làm chuyên gia kỹ thuật… Nhưng ký ức chưa thể nào ngủ quên bởi sự hào hùng. Tôi nghĩ, ngày nào máy biến áp còn quan trọng tới truyền tải điện năng thì ngày đó, người Việt Nam còn xúc động, còn trân trọng bộ ba công trình chế tạo máy biến áp của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt.
Vừa gặp, bà đã vui vẻ đọc cho tôi nghe bài thơ tự sáng tác về Đà Lạt sau chuyến đi chơi. Không phải lần đầu bà đến mảnh đất cao nguyên này, song lần gần đây bà bỗng xúc động mãnh liệt trước cảnh vật hoa lá bừng sắc của xứ sở mộng mơ, những câu thơ cứ ào ạt tuôn ra. Đúng là gái xứ Nghệ đa tài. Những vần thơ hồn nhiên, dung dị mà đậm đà, nữ tính đã giúp những hình dung của tôi về một người phụ nữ tài giỏi, nghị lực có thêm những thực tế gần gũi. Thật là thiếu sót nếu cứ nghĩ rằng đã là nữ, lại là kỹ sư ngành Điện thì chắc là phải gai góc và nam tính lắm. Hoàn toàn không, bởi bà Nguyệt từ thuở sinh viên dù học Bách khoa song vốn đã yêu thơ, thích vẽ tranh vô cùng...
Đọc thơ xong bà cười rổn rảng mà đôi mắt ươn ướt. Vì xúc động. Vì ký ức ùa về. Vì kỷ niệm của những ngày tháng trẻ trung, sung sức, miệt mài nghiên cứu khoa học đã khiến bà nao lòng. Và bà kể cho tôi về những lần bà rơi nước mắt - những giọt nước mắt của thành công.
Ngẫm lại bà càng thấy mình đúng là người phụ nữ có duyên với những chiếc máy biến áp. Năm 2002, khi các kỹ sư Việt Nam còn chưa ai nhìn thấy cấu hình máy biến áp 110 kV, 220 kV, bà lại được giao nghiên cứu để rồi chế tạo thành công cấu hình máy biến áp này. Đến tận bây giờ, khi cả ba loại máy biến áp 110 kV, 220 kV và 500 kV đã tham gia vào vận hành lưới điện quốc gia, khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người lao động bình thường, bà Nguyệt vẫn còn nhớ nguyên cảm giác của những lần đưa máy vào đóng điện. Đó là những phút giây của đòn cân não!
Chiếc máy 110 kV đầu tiên ấy được đặt ở trạm Vĩnh Yên. "Ngày mai đóng điện, mà hôm nay thiết bị bảo vệ thử tải vẫn cứ kêu "xoành xoành". Mỗi lần thử như vậy tim tôi chỉ muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Hùng hục mà làm thôi, nhưng lần đầu đóng điện vận hành thì tôi hồi hộp lắm. Các anh ấy cứ bảo, làm gì mà chân tay lập cập như thế", bà Nguyệt nhớ lại. Và cái cảm giác nghẹt thở đến nỗi không thể khóc được ấy còn trở đi trở lại vài lần nữa. Mỗi lần đưa máy mới vào lưới, ngành Điện đều tổ chức rất cẩn trọng. Nào công an, rồi xe cứu hoả để tham gia đề phòng sự cố. Tham dự là các chuyên gia lão luyện trong ngành cùng với lãnh đạo các cấp. Xấp xỉ trăm người chứ không ít.
Lần “110 kV” đó ấn định sẽ đóng điện bắt đầu từ 8 giờ 30’ sáng. Nhưng dùng dằng suốt buổi sáng, hết đại diện Bộ Công nghiệp rồi Trưởng ban Khoa học công nghệ môi trường của EVN thay nhau đứng lên bảo lãnh, nhận trách nhiệm, vậy mà vẫn cứ nấn ná... Cho đến tận 11 giờ 30’ mới quyết. Máy biến áp 110 kV chính thức hoà vào hệ thống điện lưới Quốc gia. Không có sự cố nào như đã lo sợ. Máy chạy êm hơn cả máy nước bạn đang nằm bên cạnh.
Sau 4 tháng vận hành, thiết bị được Hội đồng Nghiệm thu cấp nhà nước thông qua với số phiếu xuất sắc tuyệt đối (11/11). Ngay sau đó, Nhà máy liên tiếp nhận được các đơn đặt hàng chế tạo máy biến áp 110 kV có công suất lớn hơn, 40.000 kVA và 63.000 kVA.
Lần thứ hai là với đề tài nghiên cứu thiết kế máy 220 kV, áp lực lại dồn xuống vai bà nhiều hơn. Bà Nguyệt nhớ lại: "Lãnh đạo nhà máy mỗi lần gặp đều hỏi xong chưa? Thậm chí, có lúc tôi không dám nhìn chiếc máy để quên đi việc mình đang làm..." Vậy mà 10 tháng sau (cuối tháng 10/2004), máy biến áp 220 kV được Hội đồng Nghiệm thu cấp nhà nước thông qua và đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế với 9/9 phiếu bầu xuất sắc...
Nhưng áp lực nặng nhất, tốn nơ ron thần kinh nhất đối với bà Nguyệt là khi nghiên cứu chế tạo máy biến áp 500 KV. Trên thế giới hiện nay chỉ có 20 quốc gia có thể chế tạo máy biến áp 220 kV, còn máy biến áp 500 kV thì chỉ có 12 quốc gia. Vậy kỹ sư Nguyệt của chúng ta, bà đã dựa vào gì để chế tạo thành công nó? Năm 2005, bà đảm nhiệm thành công việc sửa chữa sự cố máy biến áp 500 kV của Nhà máy Thủy điện Ialy, công việc mà trước đây chỉ có các kỹ sư nước ngoài mới thực hiện được. Thành công trong việc sửa chữa máy biến áp 500 kV đã tạo động lực lớn thôi thúc bà chế tạo MBA 500 kV. Ngay cả ở những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh trong khu vực cũng chưa chế tạo được máy biến áp 500 kV, kỹ sư Nguyệt với thành tích chiến thắng 2 lần máy biến áp 110 kV và 210 kV dù rất đáng vị nể, song có thể vượt qua thử thách này không? Đã có lúc bà Nguyệt nghĩ mình điếc không sợ súng”. Tuy nhiên, từ ban lãnh đạo đến các kỹ sư và toàn thể cán bộ công nhân viên EEMC với lòng quyết tâm của họ và suy nghĩ giản dị không lùi bước, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt điềm tĩnh đảm nhiệm vai trò người thiết kế chính. Sau gần 3 năm triển khai với những nỗ lực không ngừng, với gần 1.500 bản vẽ, thực hiện hàng trăm thí nghiệm, vượt qua biết bao sự hồ nghi thậm chí của cả chính mình, ngày 7/10/2010, MBA 500 kV đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á đã được kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt cùng nhóm làm việc đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công, được tổ chức gắn biển chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhớ lại buổi thử nghiệm hạng mục thử cao áp, bà Nguyệt vẫn “rùng mình”: “Tôi đã không dám nhìn vào hệ thống máy liên tục kêu rào rào do nâng áp, tia lửa điện đánh xèo xèo, cột lửa xanh cao hơn tầm tay với phóng ra như luồng gas (do ion hoá không khí). Sự hồi hộp khiến ai cũng nín thở, thót tim. Rồi ai đó chợt reo lên "thành công rồi”, tất cả chợt như vỡ oà”. Bà Nguyệt đứng đó nước mắt trào mi.
Khi tôi hỏi bà: Lấy gì đảm bảo những bản vẽ thiết kế của bà sẽ được thi công theo đúng chuẩn mực bởi vì cũng như bà, anh em thực hiện sản xuất thử những chiếc máy biến áp này đều là lần đầu tiên. Bà nói: Anh em làm gì cũng alo gọi tôi hết, họ nằng nặc yêu cầu tôi phải xuống tận hiện trường để kiểm tra. Rồi mua vật tư nữa, đạt hay không họ cũng gọi tôi hết. Nhiều lúc tôi khóc vì quá sức, vì “bơi” hụt hơi mà không hết việc, vì đang tập trung tư duy với các bản vẽ mà công việc bên ngoài cứ gọi ời ời cắt đứt mạch suy nghĩ…
Ngay kể cả khi nói về những lúc tưởng chừng như chán chường nhất, bà Nguyệt cũng cười hiền khô, duy chỉ có đôi mắt là lại ươn ướt…
Cho đến tận bây giờ, nhà sáng chế nữ hiền hậu đó luôn yêu khôn xiết công việc bấy nhiêu năm của mình. Càng yêu càng trách nhiệm, bà càng ý thức được việc mình làm chính là đã đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của ngành Điện Việt Nam, bởi nó không chỉ có ý nghĩa thuần túy về mặt kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế và khả năng hội nhập của ngành Điện nước ta với thế giới. Sáng chế của bà không chỉ làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mà còn khẳng định khả năng và trình độ của đội ngũ kỹ sư Việt Nam khiến nhiều bạn bè quốc tế nể phục. Nhưng với bà Nguyệt thì nó còn mang một ý nghĩa mà cả đời nhà khoa học nữ ấy đã phụng sự, đó là: Dùng trí tuệ, trái tim và khối óc của mình để sáng tạo ra những máy móc, công trình khoa học ứng dụng cho cuộc sống - những thứ mà đất nước bà yêu tha thiết vẫn đang thiếu, đang cần. Lúc chia tay, tôi nói với bà: Những bông hồng ngành Điện quả là đầy hương sắc khiến mọi người kính phục vô cùng. Bà Nguyệt cười bảo: Cô thì không nghĩ đến hoa hồng, chỉ hoa cúc vàng thôi nhỉ. Rồi bà ngâm nga mấy câu thơ của mình:
Hoa râm bụt đa tình lưu luyến
Hoa cúc vàng vẫn gợi nhớ gợi thương
Mimosa thấp thoáng bên đường
Cẩm tú cầu vẫn khiêm nhường e lệ…