5 bí quyết không thể bỏ qua khi đàm phán tăng lương

Được trả lương tương xứng với giá trị bạn mang lại là một phần quan trọng khi chọn công việc, nhưng đàm phán để được tăng lương có thể vừa căng thẳng vừa khó chịu.

Suy nghĩ về thời điểm

Trước khi bạn bắt đầu một cuộc trò chuyện, hãy nghĩ về bối cảnh lớn hơn và những gì đang diễn ra tại nơi làm việc của bạn.

Khi công ty đang gặp khó khăn về tài chính hoặc đang trong giai đoạn chuyển đổi, có lẽ đó không phải là thời điểm thích hợp để yêu cầu tăng lương. Nếu sếp của bạn đang giải quyết những việc như sa thải, tái cấu trúc hoặc các vụ bê bối của công ty, bạn cần đợi cho đến khi mọi thứ lắng xuống một chút.

Olivia Jaras, người sáng lập của Salarycoaching.com cho biết: "Có lẽ đây là lúc bạn cần đồng cảm với anh ấy hoặc cô ấy, xây dựng sự tin cậy. Điều đó có thể tạo tiền đề cho một cuộc đàm phán trong một vài tháng nữa, như vậy sẽ tốt hơn cho bạn".

Hãy xem xét công việc của mình

Việc bạn có được tăng lương hay không sẽ được quyết định bởi một vài yếu tố khác nhau. Một số sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, tuy nhiên khi bạn nghiên cứu sẽ giúp bạn có cơ hội tốt hơn.

Trước khi bước vào cuộc trò chuyện về tăng lương, bạn nên tìm hiểu mức lương hiện tại của bạn ở thị trường nhân sự tương đương, biểu hiện của bạn so với các đồng nghiệp và triết lý lương thưởng của công ty bạn là gì.

Xem lại sơ yếu lý lịch của bạn và xem mô tả vị trí bạn được tuyển dụng cũng có thể cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về hiệu suất công việc và phát triển nghề nghiệp của bạn. Trách nhiệm của bạn có thể đã tăng lên kể từ ngày bạn được tuyển dụng, hoặc bạn đã được đào tạo hay đạt được các kỹ năng khác.

"Nếu bạn đã đạt được các kỹ năng và bằng cấp có ý nghĩa đối với vị trí của mình, làm thế nào để được công ty đánh giá cao? Đó là những điểm có lợi cho việc tăng lương", Jaras nói.

Khi bạn đã trang bị tất cả thông tin cần thiết, bạn có thể cảm thấy như mình đã sẵn sàng. Nhưng bây giờ là lúc để xem xét thành tích của bạn từ quan điểm của người quản lý. Những lý do nào mà sếp của bạn từ chối tăng lương cho bạn? Và làm thế nào để bạn giải quyết chúng?

Hiểu quan điểm của sếp

Một cách để làm điều đó là nghĩ về 5 lý do hàng đầu mà quản lý của bạn có thể nói “không”.

Deborah Kolb, tác giả của cuốn Đàm phán tại nơi làm việc: Biến những lợi ích nhỏ thành lợi nhuận lớn cho rằng "Khi bạn dự đoán những gì sẽ xảy ra, bạn sẽ sẵn sàng để đối phó với nó".

Giữ thái độ chuyên nghiệp

Lập luận của bạn phải luôn luôn hợp lý, vì vậy hãy tránh việc quá cá nhân. Tham gia vào cuộc đàm phán bằng việc đưa lý do bạn phải nuôi 5 đứa trẻ cho đến khi chúng đi học đại học hoặc bạn phát hiện ra đồng nghiệp của mình kiếm được nhiều tiền hơn bạn, không phải là một ý tưởng hay.

Những điều này có thể là lý do tại sao bạn muốn tăng lương, nhưng chúng không gắn liền với hiệu suất công việc của bạn.

Những gì bạn nên làm là nói với sếp của bạn về những cách thức bạn đã đóng góp cho công ty.

Suy nghĩ lâu dài

Đàm phán lương không phải lúc nào cũng theo kế hoạch và bạn nên chuẩn bị để đối mặt với một kết quả không như mong muốn. Nhưng nhận được "câu trả lời không" không phải là một thất bại, và xử lý nó đúng cách có thể đặt nền tảng cho sự phát triển trong tương lai.

Bạn có thể thất vọng vì những tin tức xấu, nhưng luôn kết thúc cuộc trò chuyện với một thái độ tích cực. Củng cố quan điểm rằng bạn rất hào hứng về việc tiếp tục làm việc cho công ty và nâng cao những đóng góp mà bạn thực hiện, có thể mở một cánh cửa khác cho cuộc đối thoại trong tương lai.

"Bạn phải có chiến lược về cách bạn tiến hành cuộc thảo luận đó", Alex Twersky, người đồng sáng lập Resume Deli, một công ty dịch vụ sơ yếu lý lịch và sự nghiệp cho biết.

"Bạn cần trở nên chuyên nghiệp, kiên nhẫn, hợp tác và xây dựng. Đây cũng có thể là một cơ hội để bạn yêu cầu phản hồi và suy nghĩ về những kỹ năng bạn có thể cải thiện để có thể nhận được một cơ hội tăng lương khác tốt hơn", Alex Twersky nói. 


  • 28/11/2019 10:00
  • Nguồn: Báo Người đồng hành
  • 1350