4 lưu ý để tranh luận hiệu quả trong công việc

Những cuộc tranh luận trong công ty dễ trở nên bế tắc hay thậm chí gây mâu thuẫn cá nhân nếu không lưu ý một số quy tắc cơ bản.

Để tránh tiêu cực và hướng cuộc tranh luận hiệu quả hơn, có 4 lưu ý sau:

Nhớ tất cả là một đội

Gần như các cuộc tranh luận đều thuộc một trong ba loại: Thứ nhất, thuyết phục mọi người tin theo bạn; Thứ hai, phải làm tốt hơn đối thủ; Thứ 3, cùng nhau tìm giải pháp tốt hơn.

Loại thứ 3 giúp tận dụng tối đa sự đa dạng về nhận thức. Để hướng mọi người theo loại đó, hãy khởi động cuộc thảo luận với mục tiêu chung, tinh thần tìm hiểu và nhấn mạnh mọi người đều cùng một đội. Cụ thể gồm:

- Chúng ta ở đây cùng nhau trên tinh thần tìm hiểu, như những đồng chí, không phải kẻ thù.

- Mục tiêu chung của chúng ta là tìm ra cách tốt nhất để hoàn thành.

- Tất cả các quan điểm có ích cho mục tiêu đều được chào đón.

- Không có "người chiến thắng". Chỉ có cả đội cùng chiến thắng nếu có tiến bộ.

- Mọi người đều bình đẳng, không có thứ bậc hay tầm quan trọng đặc biệt nào làm ảnh hưởng đến quan điểm của một người đối với người khác.

Không lạc chủ đề

Một trong những điều khó nhất của cuộc tranh luận là giữ cho nó đúng hướng. Khi mọi người kiên quyết trong ý kiến của mình, họ có xu hướng, thường là trong tiềm thức, dùng những ngụy biện logic, lắt léo trong vấn đề. Họ đưa ra các vấn đề bên ngoài nhằm củng cố quan điểm bản thân và làm rối những người có ý định phản đối. Để tránh nó, cần các quy tắc sau:

- Cuộc tranh luận không phải về việc ai quan tâm nhiều hơn, ai lớn tiếng nhất, ai mạnh nhất hay ai nói rõ nhất.

- Không có các chiến thuật cường điệu khó khăn.

- Phân biệt giữa sự kiện và diễn giải.

- Xác định các ngụy biện logic và thảo luận lại.

- Kiểm tra tính hợp lệ của các xác nhận về sự kiện, phân tích không chỉ dẫn chứng mà cả chất lượng của dẫn chứng.

- Nếu tranh luận lạc sang chủ đề khác, hãy thừa nhận và thảo luận lại.

Không chỉ trích cá nhân

Tranh luận có xu hướng thất bại khi mọi người cảm thấy ý tưởng hay bản thân đang bị tấn công. Cảm xúc và bản ngã bắt đầu đóng vai trò lớn hơn nhiều và mọi người trở nên ít đánh giá cao quan điểm của người khác, làm giảm đáng kể tiềm năng đổi mới hoặc giải quyết vấn đề. Để tranh luận không đi theo hướng này, cần lưu ý:

- Không xúc phạm hay công kích cá nhân.

- Tránh những câu hỏi phán xét về người khác, hơn là những ý tưởng của họ. Thay vì các câu hỏi như "Làm cách nào bạn có thể tin vào điều đó?" hay "Tại sao bạn không thể thấy được?", hãy dùng câu hỏi có từ "cái gì". Ví dụ, "Điều gì làm cho bạn nghĩ ra cách đó?" hoặc "Điều gì làm cho bạn kết luận thế?".

- Nếu dự định của tất cả đều tốt thì hãy cho họ thấy lợi ích của ngờ vực.

- Không ai mất mặt chỉ vì thay đổi suy nghĩ.

- Khen thưởng nhân viên vì đã đưa nhóm tiến lên phía trước, hơn là vì "đúng".

Khiêm tốn về trí tuệ

Để cuộc tranh luận thực sự hiệu quả, những người tham gia cần sẵn sàng tôn trọng mọi quan điểm và thay đổi suy nghĩ khi cần thiết. Đây là điều mà các nhà tâm lý học gọi là sự khiêm tốn trí tuệ, cho nên:

- Đừng làm mọi chuyện theo cách cá nhân.

- Lắng nghe và tôn trọng mọi người cùng quan điểm của họ, ngay cả khi bạn không đồng ý.

- Hãy thừa nhận khi bạn nhận thấy mình sai, và vui vẻ công nhận điểm tốt của người khác.

- Luôn hiếu kỳ. Ngay cả những ý tưởng tồi cũng có thể hữu ích. Chúng có thể giúp chúng ta tìm ra những ý tưởng mới và tốt hơn.


  • 10/04/2019 09:08
  • Nguồn: vnexpress.net
  • 1769