15 phút trao đổi với nhà văn Lê Lựu: “…Không thể cứ hô hào chung chung”

Không dễ để “chen” được vào lịch làm việc dầy đặc của nhà văn Lê Lựu, nhưng ngay “phần mào đầu” cuộc trò chuyện về văn hoá doanh nghiệp, ông đã “dặn dò”: 15 phút thôi nhé. Ông nói băng băng, thẳng thắn, không ngại đụng chạm, cách ví von, so sánh cũng khá thú vị, khiến cho câu chuyện 15 phút giữa chúng tôi không giây nào “chùng xuống”.

Nhà văn Lê Lựu

“Cần chú ý nhất khi xây dựng văn hoá doanh nghiệp là tính minh bạch - Ông nói - Những mối quan hệ, quyền lợi, nghĩa vụ, những nguyên tắc chuẩn mực phải được soạn thảo bằng văn bản mang tính pháp lý. Từ trước đến nay, khi xây dựng tập thể, chúng ta cứ hô hào chung chung là phải có tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, yêu thương, hỗ trợ nhau, bản lĩnh chiến đấu, lòng tự tin, truyền thống dân tộc.. nhưng cụ thể nó là cái gì? Chúng ta cứ nói với nhau bằng những lời sáo rỗng làm gì. Phải cụ thể hoá tất cả các tiêu chí. Đơn cử như “vào” tập đoàn, tôi được gì, mất gì. Đừng nói chung chung về sự hy sinh. Trách nhiệm phải đi cùng với quyền lợi. Khi hội nhập quốc tế, hàng trăm doanh nghiệp trong mỗi một tập đoàn của Việt Nam nếu không hợp sức lại thì không thể chống đỡ nổi những nhà khổng lồ ngoại quốc. Những con thuyền nan chỉ oai phong trong ao, trong hồ, nhưng đơn độc ra biển lớn thì những chiến thuyền lớn của nước ngoài sẽ đè bẹp tức khắc. Nhưng hợp sức với nhau thì phải minh bạch trách nhiệm, quyền lợi, dựa trên những quy định của luật pháp quốc tế, chứ không thể quan hệ bằng tình cảm, nể nang nhau: “Thôi, anh thông cảm cho em”. Phải rõ ràng, không thông cảm”.

 

Ông cho rằng: Đối với một doanh nhân,  người chèo lái con thuyền của mỗi doanh nghiệp, 4 yếu tố lớn tạo nên văn hoá doanh nhân là: Tâm, Tài, Trí, Dũng. Có tâm thì có đức, doanh nhân không ăn cắp, lừa đảo, trốn lậu thuế. Có tài thì có tầm, có khả năng nhìn xa, trông rộng, biết mình, biết người. Có trí thì có lực, tạo thành sức mạnh vượt qua khó khăn. Có dũng thì mới có khí, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đối với một doanh nghiệp thì phải xây dựng “luật văn hoá” với những quy định thật rõ ràng: Ông chủ làm gì, người thợ làm gì, giao tiếp với đồng nghiệp, với khách hàng ra sao. Tức là phải có văn hoá của ông chủ, văn hoá của người thợ, văn hoá của tổ chức, văn hoá của nghề nghiệp. Một doanh nghiệp có văn hoá tức là có sự nền nếp, quy củ thì mới có đủ lực để trở thành một tập đoàn mạnh.

 

Khi chúng tôi hỏi: Ngành Điện đã đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng chưa? Ông trả lời: “Tôi rất quý các bạn, nhưng ta phải nói thẳng với nhau: Chưa bao giờ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Công ty của tôi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), rất hay bị mất điện. Chờ mỏi cổ không thấy thợ điện đâu. Đến nơi kiểm tra thì họ nói máy cũ quá rồi. Cũ thì phải thay cho dân chứ?”. Theo ông, nếu khách hàng nộp tiền điện chậm cũng không nên cắt điện, mà phải có chế tài như phạt tiền với những khách hàng nộp chậm tăng dần theo thời gian, có thưởng cho khách hàng nộp tiền điện đúng ngày hoặc sớm hơn... Tất nhiên, ngành Điện phải thực hiện theo những quy định của Luật Điện lực, nhưng có thể đề xuất với Chính phủ những giải pháp tốt hơn, có lợi hơn cho cả ngành Điện và khách hàng...

 

 15 phút là khoảng thời gian không đủ cho cuộc trao đổi cứ dần biến thành cuộc tranh luận của ông với chúng tôi xung quanh vấn đề: Đáp ứng yêu cầu của khách hàng và văn hoá trong kinh doanh của ngành Điện. Không phải mọi ý kiến của ông, chúng tôi đều đồng tình, nhưng không ít vấn đề ông đưa ra khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Những khoảng cách nhất định vẫn còn tồn tại giữa ngành Điện và khách hàng. Liệu những khoảng cách này có được xoá đi khi văn hoá doanh nghiệp trong khối kinh doanh, phục vụ khách hàng của EVN được chú trọng và đẩy mạnh  hơn?


  • 18/08/2011 10:25
  • Anh Tú - Đăng Duy thực hiện
  • 3446


Gửi nhận xét