Xử lý tấm thu năng lượng mặt trời hết hạn: Biến rác thải thành… “tiền”

Mặc dù là nguồn năng lượng sạch, với sự phát triển một cách nhanh chóng, điện mặt trời vẫn khiến nhiều người cảm thấy quan ngại, tuy nhiên, theo các chuyên gia, loại rác thải này vẫn còn hữu ích…

Theo báo cáo hiện trạng toàn cầu về năng lượng tái tạo, trong các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời đang tăng trưởng rất nhanh và hiện chỉ xếp thứ 3 (sau thủy điện và điện gió) về công suất lắp đặt với tổng công suất năm 2019 trên toàn cầu là 627GW. Việt Nam thuộc top 5 nước tăng trưởng nhanh nhất về công suất năng lượng mặt trời, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, tổng công suất điện mặt trời đưa vào khai thác tại Việt Nam năm 2019 là 4.8GW, tăng mạnh so với mức 108MW chỉ một năm trước đó.

Trước thực trạng sự phát triển “nóng” của các nhà máy điện mặt trời, không ít lo ngại đã xuất hiện từ dư luận về việc kim loại nặng từ tấm pin quang điện phế thải có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường khi hết vòng đời sử dụng…

Các tấm pin năng lượng mặt trời hết thời hạn sử dụng sẽ được công nghệ xử lý hoàn toàn - Ảnh: Ng.Tuấn.

Về mặt quản lý Nhà nước, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phần của các tấm pin mặt trời bao gồm khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối. Tuổi thọ trung bình của các tấm pin năng lượng mặt trời từ 10-20 năm, tùy thuộc vào địa điểm và khu vực môi trường nơi triển khai dự án.

Tấm pin năng lượng mặt trời thải loại (hết thời hạn sử dụng) tại Việt Nam, được quản lý theo các quy định về quản lý chất thải, chủ nguồn thải có trách nhiệm phân định rác thải từ các tấm pin mặt trời theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để quản lý cho phù hợp (QCVN 07:2009/BTNMT).

Trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đang chủ trì xây dựng và sẽ ban hành danh mục các chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải công nghiệp thông thường.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật, từ đó, việc quản lý các tấm pin năng lượng trời thải trong thời gian tới sẽ hoàn thiện và khoa học hơn, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Còn dưới góc nhìn chuyên gia, việc phát triển điện mặt trời hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay của thế giới, trong đó, vấn đề xử lý rác thải điện mặt trời sau khi hết hạn cũng đã được nhắm tới và bước đầu được triển khai, với những công nghệ hiện nay, tại Việt Nam, các doanh nghiệp hoàn toàn làm được và có thể đón đầu cơ hội kinh doanh mới.

Thông tin với báo chí, PGS.TS Võ Viết Cường (Khoa Điện - Điện tử, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) - người nghiên cứu về năng lượng tái tạo, chia sẻ: “Chúng ta phải xác định được rằng, không có gì là sạch tuyệt đối, nhưng năng lượng mặt trời giảm hệ số khí thải đến 90% so với các nguồn năng lượng truyền thống”.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Võ Viết Cường, một dự án điện mặt trời vẫn tạo ra C02 như bình thường. Tính toán của ông cho thấy, hệ số khí thải của ngành Điện Việt Nam (tùy cơ cấu các nguồn điện) khoảng 120-130 gam cacbon/kWh, trong khi đó, với điện mặt trời (phát sinh khí thải từ khai thác nguyên vật liệu thô, sản xuât ra tấm thu năng lượng, tái chế) khoảng 10 gam cacbon/kWh.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khi thông tin với báo chí cũng từng nhấn mạnh: công nghệ hoàn toàn xử lý được các tấm thu năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng, chứ không phải là “chỉ có vứt đi, không thể tái chế”.

Theo ông Dũng: “Đã có những công ty ở Mỹ, Pháp xử lý những tấm thu năng lượng mặt trời, khoa học công nghệ trong lĩnh vực này đang tiến bộ rất nhanh, tin tưởng rằng khoảng 20 năm nữa khi chúng ta có những tấm pin thải ra từ nhà máy, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm được. Tôi có tiếp xúc với một số doanh nghiệp, họ nói muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng thị trường còn nhỏ quá nên chưa thể làm, tuy nhiên, trong tương lai, họ sẽ coi đó là một lĩnh vực kinh doanh tốt”.

Không chỉ có vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng khẳng định, tấm thu năng lượng mặt trời có tỷ lệ tái chế rất cao, vật liệu thu hồi có giá trị lớn nhất là Bạc (Ag), tuy trọng lượng không nhiều nhưng tỷ lệ trong giá thành là trên 50%.

Link gốc


  • 24/11/2020 09:58
  • Nguồn: enternews.vn
  • 1085