Tiết kiệm điện hiệu quả nhờ ứng dụng hệ thống phun nước và phun xịt tự động

Để nhà vườn không còn lệ thuộc thời tiết và nhất là tiết kiệm chi phí xăng, dầu, phân bón và nhân công, nhà sáng chế “chân đất” Cao Phát Triển, khu vực Thới Xuân I, phường Thới Long, quận Ô Môn (Cần Thơ) đã sáng chế thành công hệ thống phun nước và phun xịt tự động độc đáo có tính năng điều khiển bằng điện thoại di động thông minh.

Tưới 1 ha vườn không tốn đến 1000 đồng

Để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2013, anh Cao Phát Triển tự tay thiết kế hệ thống phun nước tự động cho vườn cây ăn trái của mình. Hệ thống phun nước tự động được thiết kế độc đáo kết nối con chíp điện từ được lắp đặt tại trạm bơm với phần mềm điều khiển trên điện thoại di động thông minh.

Anh Cao Phát Triển giới thiệu hiệu quả vườn cây ăn trái sau khi ứng dụng hệ thống phun xịt tự động

Dù ở bất cứ nơi đâu, chủ vườn chỉ cần thao tác trực tiếp trên điện thoại, máy bơm sẽ hoạt động đẩy nước từ ống chính chạy dọc theo hệ thống ống nối đến các trục tưới rồi lan tỏa ra đồng đều làm ướt từ gốc đến ngọn cây. Nhờ đó, lượng nước tưới được thẩm thấu nhanh, giúp cây trồng hấp thụ nước tốt nên khá phù hợp cho các loại cây ăn trái có múi, đặc biệt là quýt hồng.

Nói về lợi ích và hiệu quả của hệ thống tưới nước tự động, anh Cao Phát Triển so sánh: Với diện tích 8.000 m2, mỗi lần phun nước thủ công bằng máy nổ, nhà vườn tốn từ 3-4 lít xăng, còn tưới dầu tốn trên 2 lít. Nhưng áp dụng hệ thống phun tưới nước tự động, nhà vườn chỉ cần bật hệ thống điều khiển trên điện thoại di động, cả vườn cây sẽ được tưới nước đồng loạt trong vòng 10 phút mà không tốn đến 1.000 đồng tiền điện.

Năm 2014, anh Triển tiếp tục nghiên cứu và sáng chế ra mô hình phun xịt tự động chuyên để tưới phân, thuốc cho vườn cây ăn trái. Điểm khác biệt giữa hệ thống phun xịt với hệ thống tưới nước là đường ống dẫn phân, thuốc có tiết diện nhỏ hơn, giúp tiết kiệm lượng phân thuốc khi phun xịt. Thông qua bộ điều khiển ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhà vườn có thể điều khiển việc phun xịt nhanh chóng và chính xác trong vòng 6 phút trên diện tích 8.000 m2.

Ngoài ra, ưu thế của hệ thống phun xịt tự động giúp lượng thuốc hay phân bón được lan tỏa ra đồng đều. Nhờ đó, giúp nhà vườn tiết kiệm tiền phân, thuốc… góp phần nâng cao chất lượng trái đồng đều, màu đẹp và bán được giá hơn, nhất là vào vụ Tết. Bên cạnh đó, nhà vườn khi không phải tiếp xúc trực tiếp hóa chất khi phun xịt phân, thuốc. Lợi ích của hệ thống phun xịt tự động giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất mỗi năm từ 45- 50 triệu đồng/ha và nhất là nâng cao năng suất cao gấp nhiều lần so với cách làm thủ công trước đây.

Nhân rộng mô hình

Hiện tại, mô hình này đã được nhân rộng và được nhiều nhà vườn tại quận Ô Môn, Thốt Nốt (TP Cần Thơ), huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), huyện Cai Lậy (Tiền Giang) và huyện Châu Thành ( Hậu Giang)… Tùy theo điều kiện tự nhiên và hạ tầng sẵn có của chủ vườn, chi phí đầu tư cho một hệ thống tưới phun tự động mất từ 60-90 triệu đồng/ha.

Nhà vườn Trần Văn Dũng, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nhận định: Điều quan trọng, ứng dụng hệ thống phun tưới tự động sẽ tiết kiệm lượng nước tưới đáng kể mà vẫn cung cấp lượng nước vừa đủ cho cây trồng phát triển, duy trì độ phì nhiêu của đất, hạn chế thất thoát nước trong trong sản xuất nông nghiệp, nhất là giúp nhà vườn có thể ứng phó với tình trạng hạn, mặn...

Không chỉ sáng tạo tiết kiệm chi phí sản xuất nông nghiệp, anh Cao Phát Triển còn chú trọng thực hiện tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt gia đình. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng được anh Triển áp dụng triệt để, như: Tắt nguồn tivi, quạt … khi không sử dụng, chủ động bố trí, lắp đặt các thiết bị cảm biến (mắt cảm biến hồng ngoại) tại các khu vực ít sử dụng điện vào ban đêm… Điểm nổi bật của thiết bị cảm biến này, giúp hệ thống đèn sẽ tự động bật sáng khi có người sinh hoạt và tự động tắt khi không có người.

Ở các nơi khác, như nhà vệ sinh và nhà tắm, anh Triển còn lắp đặt đèn chiếu sáng tự động, khi mở cửa đèn tự bật sáng và tự động tắt khi đóng cửa. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh tế vườn và trong sinh hoạt gia đình, anh Triển còn lắp đặt thêm hệ thống báo biến động mặt nước để giúp anh chủ động phòng tránh tình trạng ngập nước gây chết cây vào mùa nước nổi hay sự cố chập điện…

Những cách làm này không chỉ giúp anh Triển tiết kiệm chi phí điện, nước trong sinh hoạt hằng ngay mà còn giúp cho nhiều nhà vườn học tập, ứng dụng để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế.


  • 06/05/2016 08:50
  • Bài, ảnh: Mỹ Hoa
  • 5374