Thiết bị điều khiển xa trong chiếu sáng công cộng: Tiết kiệm hơn 30% điện năng

Thiết bị tiết kiệm điện điều khiển xa tuyến đèn đường đô thị đã được nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Năng lượng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công. Thiết bị này đã được thử nghiệm tại tỉnh Trà Vinh, tiết kiệm được 32% - 37%/lượng điện tiêu thụ.

Thiết bị tiết kiệm điện có hẹn giờ 

Hiện nay, thiết bị tiết kiệm điện năng trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng đều được thiết kế, chế tạo theo công nghệ ổn áp cơ - điện tử, điều chỉnh điện áp đặt vào đèn theo quy luật định sẵn. Có 2 loại công nghệ ổn áp là: Ổn áp kiểu bù và ổn áp kiểu biến áp tự ngẫu đơn thuần. Riêng với công nghệ ổn áp dùng biến áp tự ngẫu, mặc dù có kết cấu gọn, hiệu suất cao, nhưng chổi than phải chịu tải, gây tiêu hao điện năng. 

Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Năng lượng đã tìm cách khắc phục thành công những hạn chế kỹ thuật của công nghệ ổn áp dùng biến áp tự ngẫu, chế tạo thiết bị tiết kiệm điện điều khiển xa sử dụng trong chiếu sáng công cộng. 

Thiết bị gồm 3 bộ phận: Tiết kiệm điện năng, mạch điều khiển, điều khiển xa. Mạch điều khiển được kết nối với bộ phận tiết kiệm điện thông qua dây dẫn. Trên mạch điều khiển có đồng hồ hẹn giờ, thiết lập các mức công suất khác nhau ở những thời điểm cụ thể. Để thiết lập các chế độ hoạt động cho mạch điều khiển, có thể chỉnh trực tiếp bằng hệ thống nút bấm tại tủ điều khiển hoặc truyền lệnh qua sóng vô tuyến khi kết nối với điện thoại, máy tính.

Theo TS.Ngô Tuấn Kiệt (Viện Khoa học Năng lượng), tính ưu việt của thiết bị này là cho phép điều chỉnh công suất tiết kiệm theo 3 mức. Theo đó, tùy thời điểm cụ thể trong ngày, có thể điều chỉnh công suất chiếu sáng sao cho phù hợp và tiết kiệm nhất. Đồng thời, thiết bị cũng cho phép tăng công suất nhờ ghép song song đồng bộ 2 hoặc 3 biến áp truyền động bằng xích. “Thiết bị tiết kiệm điện được gắn trên hệ thống đèn chiều sáng, dòng điện đi vào thiết bị tiết kiệm này trước khi đi qua đèn phát sáng, nhờ đó tiết giảm được lượng điện năng tiêu thụ. Đáng nói, thiết bị có cầu dao đảo chiều dự phòng, nên khi thiết bị gặp sự cố, hệ thống đèn chiếu sáng vẫn hoạt động bình thường”, TS Ngô Tuấn Kiệt cho biết thêm.

Phát huy hiệu quả trong thực tế

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm, gắn các thiết bị tiết kiệm điện có điều khiển xa trên các tuyến phố ở tỉnh Trà Vinh, gồm: Phố Quang Trung, Ao Bà Om và Kiên Thị Nhẫn, với tổng chiều dài tuyến đèn đường cao áp là 7.288 m. Thiết bị được cài đặt với 3 mức công suất khác nhau, tùy vào nhu cầu chiếu sáng ở từng thời điểm nhằm tiết kiệm năng lượng. Kết quả cho thấy, so với thời điểm không dùng thiết bị tiết kiệm điện năng, mức tiết kiệm điện tại các tuyết đạt gần 33%/ngày.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, với việc ứng dụng tủ điều khiển tiết kiệm điện đặt ở 3 trạm: Quang Trung, Ao Bà Om, Kiên Thị Nhẫn, mỗi năm, tỉnh Trà Vinh tiết kiệm được 99 triệu đồng từ ngân sách. Còn nếu đầu tư toàn bộ hệ thống tủ tiết kiệm điện năng cho chiếu sáng công cộng trên toàn tỉnh, mỗi năm Trà Vinh tiết kiệm được 300 triệu đồng và thời gian hoàn vốn là 3 năm.

Theo TS Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, thiết bị tiết kiệm điện năng điều khiển xa có khả năng điều chỉnh điện áp linh hoạt để tiết kiệm điện năng ngay từ khi bật đèn, tự động cắt bớt đèn khi có nhu cầu tiết kiệm nhiều hơn. Các thiết bị tương tự trên thị trường chỉ có 2 khoảng thời gian điều chỉnh công suất, nhưng thiết bị này đã mở rộng tính năng, cho phép điều chỉnh công suất trong 3 khoảng thời gian.


  • 08/11/2017 03:42
  • Nguồn: TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 3605