Thiết bị điều khiển bật tắt đèn theo giờ mặt trời: Có thể tiết kiệm hơn 11 triệu USD/năm

Sản phẩm công nghệ của Trung tâm IPNET, Công ty VNC và được sản xuất bởi Công ty Techpal này nếu được áp dụng, mỗi năm sẽ tiết kiệm được 11 triệu USD tiền điện cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng của Việt Nam.

Thiết bị điều khiển bật tắt đèn theo giờ mặt trời sẽ giúp tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng (Ảnh minh họa)

Thiết bị điều khiển bật tắt đèn theo giờ mặt trời đã được Ngân hàng Thế giới cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao giải thưởng “Ngày sáng tạo Việt Nam 2011”.

Bắt đầu từ ý thức “xót tiền nhà nước”

Theo anh Nguyễn Đình Nam - Trưởng nhóm nghiên cứu sản phẩm trên, thì ý tưởng về thiết bị bật tắt đèn theo mặt trời được nảy ra sau khi anh đọc báo. Người dân đã phản ánh về việc “xót tiền nhà nước” khi thấy toàn bộ đèn cao áp ở công viên Tao Đàn (Q.1, TP. HCM) bật quá sớm. Hôm nào cũng vậy, cứ đúng 17g30 là tất cả gần 200 bóng đèn được bật lên. Nhiều tuyến phố đèn đường được bật sáng choang lúc mới 5 giờ chiều…

Một hạn chế lớn của các thiết bị đang sử dụng hiện nay là được cài đặt bật – tắt theo giờ cố định. Thế nên, có khi trời chưa tối nhưng đèn đã sáng. Nhiều nhóm nghiên cứu ở Việt Nam đã thử cải tiến bằng cách ứng dụng cảm biến quang để điều khiển đèn. Tuy nhiên, chỉ vài ngày ở ngoài trời là bụi đã phủ mờ khiến cảm biến quang hoạt động không còn chính xác.

“Điều khiển theo giờ mặt trời – chỉ có cách này mới có thể khắc phục được những nhược điểm và lãng phí điện năng hiện có” - Vậy là các ý tưởng “lớn” gặp nhau và các thành viên trong nhóm do anh Nguyễn Đình Nam đã đồng thuận, quyết tâm tìm ra giải pháp.

Một thách thức lớn là phải tối ưu hóa các công thức để có thể thực hiện các tính toán theo thiên văn phức tạp trên, vì điều khiển tốc độ khá chậm để thiết bị có thể tính toán và tự bật tắt phù hợp với giờ mặt trời lặn và mọc ở từng vị trí khác nhau. Sau hơn một năm nghiên cứu, chế tạo, lô sản phẩm đầu tiên được đưa ra thị trường đã tiêu thụ hết và nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng.

Điều khiển thiết bị qua tin nhắn

Ông Deepak Mishra, nhà kinh tế trưởng của World Bank Vietnam: “Đây là 1 dự án tốt. Nhưng nhóm khách hàng chính là ngành chiếu sáng công cộng thuộc quản lý của các doanh nghiệp nhà nước thường rất chậm thay đổi. Do đó trước hết nên tập trung khai thác khu vực do tư nhân quản lý (như khách sạn, khu công nghiệp) vì họ rất năng động và quan tâm hơn đến việc tiết kiệm điện”. 

Về nguyên lý hoạt động của thiết bị, Nguyễn Đình Nam cho biết, một con chíp trung tâm điều khiển 8 rơ-le độc lập bật tắt theo các chương trình khác nhau có tính đến yêu cầu của người điều khiển, không chỉ cho phép bật tắt thông thường mà còn cho phép tiết giảm 1 phần công suất khi đêm khuya.

Điều đặc biệt là người sử dụng có thể điều khiển thiết bị này bằng cách nhắn tin qua điện thoại. Chỉ cần gửi tin nhắn theo cú pháp, thiết bị sẽ tự động bật/tắt theo thời gian trong lệnh của người điều khiển. Các tính năng thông minh này giúp giải quyết vấn đề tối ưu hóa chiếu sáng ngoài trời một cách trọn vẹn. Đó là lý do mà Đề tài của nhóm đã vượt qua hơn 300 đề tài khác để “chen chân” vào vòng chung kết “ẵm” giải.

Với hơn 600 triệu đồng được trao từ Giải thưởng Sáng tạo 2011, nhóm nghiên cứu dự định sẽ dành toàn bộ số tiền đó, tiếp tục nghiên cứu và cài đặt thêm các tính năng ưu việt hơn và thân thiện với môi trường cho thiết bị. Các nhà nghiên cứu trẻ đang rất mong mỏi và hy vọng sản phẩm của mình sẽ được ứng dụng rộng rãi trên thị trường.

Năm 2010, chiếu sáng chiếm 25,3% điện năng thương phẩm của Việt Nam, chiếu sáng công cộng chiếm 1/10 tổng lượng điện chiếu sáng (tương đương chiếm 2% của tất cả các mức tiêu thụ điện). (Nguồn: Trang thông tin điện tử Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ)

 


  • 24/10/2011 10:00
  • Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới điện
  • 3950


Gửi nhận xét