Thay đèn compact bằng đèn led chong hoa cúc: Tiết kiệm 75% tiền điện

Vốn đầu tư đèn led cao gấp 2 lần đèn compact, nhưng lượng điện tiết kiệm được lại gấp 3 đến 4 lần. Đó là kết quả thu được từ các hộ gia đình trồng hoa cúc tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tiết kiệm điện vượt trội

Là người đi đầu trong phong trào sử dụng đèn led để chong hoa cúc, ông Nguyễn Đình Chỉ (phường 12, TP Đà Lạt) cho biết: “Về lâu dài, người nông dân nên chọn đèn led. Kinh nghiệm từ thực tiễn của gia đình tôi cho thấy, các thông số về chất lượng của hoa như màu sắc, độ cao của cây… đều tương đồng như khi sử dụng đèn compact, nhưng lượng điện sử dụng lại ít hơn  3 - 4 lần. Mới đầu, gia đình tôi chỉ đầu tư đèn led cho 500 m2 trồng hoa cúc. Sau 1 năm, thấy hiệu quả kinh tế vượt trội, chúng tôi đầu tư thêm cho hơn 2000 m2”.

Tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh mô hình sử dụng đèn led chong hoa cúc.

Theo ông Nguyễn Thế Nhuận - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt (Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), ưu điểm vượt trội của đèn led là có dải quang phổ hẹp, cây có thể hấp thụ hầu hết lượng ánh sáng điện phát ra. Do cấu tạo bằng các chất liệu kim loại và plastic, đèn led chịu được tác động từ bên ngoài khá tốt, không bị nứt, vỡ khi gặp trời mưa hoặc khi nhiệt độ thay đổi đột ngột.  

Thống kê của Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho thấy, số lượng đèn compact loại 20 W trên vùng chuyên canh hoa cúc tại Lâm Đồng khoảng 2,5 triệu bóng. Mỗi vụ sản xuất hoa cúc, chi phí tiền điện để chong hoa cúc ước đạt khoảng 24 tỷ đồng. Nếu thay thế lượng đèn compact này bằng bóng đèn led loại 5W, chi phí tiền điện mỗi vụ sẽ giảm 4 lần, chỉ còn khoảng 6 tỷ đồng.

Cần nhân rộng mô hình

Mặc dù biết rõ hiệu quả khi sử dung đèn led trong chăm sóc hoa cúc, nhưng do thói quen, ngại thay đổi, nên hầu hết các nhà vườn ở Lâm Đồng vẫn sử dụng đèn compact. Trước tình hình này, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) quyết định thực hiện thí điểm Dự án: “Hỗ trợ nông dân sử dụng đèn led chong hoa cúc tại Lâm Đồng theo mô hình ESCO”.

Theo đó, dự án sẽ triển khai từ quý III/2018, với mục tiêu thay thế khoảng 50% đèn compact bằng đèn led khi trồng hoa cúc. Trong đó, giai đoạn 1, khoảng 30.000 bóng đèn led sẽ được thay thế thí điểm tại 150 hộ dân có diện tích canh tác từ 10.000 m2 trở lên. 

Hiện nay có khoảng 2,5 triệu bóng đèn compact đang được người dân tỉnh Lâm Đồng sử dụng hàng đêm (dự kiến còn tăng cao trong thời gian tới) tiêu thụ một lượng điện khổng lồ, gây không ít khó khăn cho ngành Điện. Do vậy, dự án “Hỗ trợ nông dân sử dụng đèn led chong hoa cúc tại Lâm Đồng theo mô hình ESCO” được kì vọng là giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cho người dân trồng hoa cúc, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường sống, góp phần giảm áp lực cung cấp điện cho ngành Điện. 


  • 02/11/2018 10:02
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Thế giới điện
  • 3106