Rèn thói quen tiết kiệm cho cả gia đình

Theo cô Mai, thay đổi bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, đó là chỉ sử dụng khi cần. Cô nhắc nhở mọi người trong nhà từ bỏ thói quen không bật tivi khi không xem, tắt điện không cần thiết...

Ngôi nhà của cô Nguyễn Thị Chi Mai, gương điển hình gia đình tiết kiệm điện nhiều năm liền của TP.HCM nằm sâu trong con hẻm hẹp ở tổ 45, khu phố 4, P.Hiệp Thành, Q.12.

Nhìn ngôi nhà ống chỉ với một cửa ra vào, chúng tôi thắc mắc liệu có phải suốt ngày mở đèn và dùng quạt, cô Mai chỉ lên mái tôn: “Hồi trước còn mở điện, bây giờ thay bằng một tấm tôn sáng là ban ngày không cần đèn đuốc gì cả vẫn sáng trưng. Nhà tôi thấp nên được hai cái nhà lầu hai bên che bớt ánh nắng, ban ngày không nóng lắm”. Buổi tối, chỉ hai bóng điện được mở nhưng ngôi nhà vẫn sáng đủ cho mọi sinh hoạt.

Cách đây khoảng ba năm, nhà cô Mai phải trả 800.000-900.000đ tiền điện mỗi tháng. Sau đó, khi tham gia những buổi tuyên truyền tiết kiệm điện do Hội LHPN TP.HCM phối hợp với Tổng công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, cô nhìn lại nhu cầu sử dụng điện của gia đình và thực hiện một số thay đổi để hưởng ứng phong trào tiết kiệm, giảm bớt chi tiêu cho gia đình.

Theo cô Mai, thay đổi bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, đó là chỉ sử dụng khi cần. Cô nhắc nhở mọi người trong nhà từ lớn đến nhỏ bỏ thói quen bật ti vi khi không có nhu cầu xem, tắt đèn khi không cần dùng, không vừa để quạt máy chạy vù vù vừa trùm chăn vào những ngày lạnh…

Nhà cô có bốn bóng đèn huỳnh quang, ba bóng 12 tấc trong nhà và một bóng sáu tấc ngoài sân. Nhưng hiện nay, cô hầu như chỉ sử dụng hai bóng đèn, một cho phòng khách và một cho nhà bếp, vì nhà đủ ánh sáng. “Bóng đèn trung gian nếu mở thì sẽ sáng hơn, nhưng đâu cần thiết nên lâu rồi nhà tôi không sử dụng đến. Còn bóng điện trước nhà cũng vậy. Có bóng điện của nhà nước sáng cả con hẻm nên hạn chế luôn bóng điện ấy”.

Cô chỉ lên những bóng đèn trái ớt trên bàn thờ: “Mấy bóng đèn nhấp nháy đó coi vậy mà tốn điện dữ lắm. Hồi trước tôi thắp suốt đêm, nhưng giờ chỉ để vào ngày rằm, mùng một. Những ngày còn lại thì mở điện cho ấm bàn thờ khi thắp nhang, sau đó tắt đi”.

Cô Mai tiết lộ việc không sử dụng máy giặt đã mang lại mức tiết kiệm điện lớn nhất: “Chỉ riêng cái máy giặt thôi mà mỗi tháng tiêu tốn rất nhiều điện. Thứ nhất, máy giặt cần nhiều nước, nhà tôi lại xài nước giếng nên máy bơm hoạt động suốt ngày. Thứ hai, xài máy giặt, quần áo bị nhàu, phải ủi. Tôi khuyến khích các con giặt đồ bằng tay. Giặt áo sơ mi thì không vắt, khi phơi, kéo phẳng hai tà và hai tay áo nên lúc khô, áo thẳng tưng. Nhờ vậy, nhà tôi chẳng mấy khi dùng đến bàn ủi nữa”.

Từ những thay đổi đó mà giờ đây, số tiền cô Mai phải trả cho nhu cầu sử dụng điện giảm một nửa, có khi đến hai phần ba. Cô Mai rút ra từ chồng bằng khen nhận được suốt 14 năm hoạt động Hội, khoe tấm bằng khen mới nhất về tiết kiệm điện thành phố trao tặng cho gia đình.

Cô nói: “Thật ra lúc đầu tôi chỉ nghĩ là tiết kiệm cho gia đình mình thôi, chứ đâu biết gì tới chuyện được khen thưởng”. Theo cô, việc tiết kiệm điện chẳng cần có bí quyết gì, chỉ là hãy sử dụng khi thật sự cần thiết, và điều quan trọng là hình thành ý thức tiết kiệm điện như một thói quen sinh hoạt cho tất cả các thành viên gia đình


 


  • 10/09/2016 10:26
  • Theo xaluan.com
  • 2554