Quảng Bình: Phát triển năng lượng tái tạo sẽ trở thành ngành công nghiệp trọng điểm

Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, tỉnh Quảng Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) với nhiều giờ nắng trong năm, độ bức xạ nhiệt lớn, tốc độ gió đạt yêu cầu…Với lợi thế này, Quảng Bình chuyển dịch thu hút đầu tư các lĩnh vực có lợi thế về điều kiện tự nhiên và hướng tới phát triển năng lượng tái là ngành công nghiệp trọng điểm, bên cạnh du lịch và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nhiều lợi thế phát triển

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, số giờ nắng ở các khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng có tỷ lệ cao, trung bình đạt từ 1.650 – 1.820 giờ, cường độ bức xạ trung bình ngày theo tháng và năm khoảng 4,03 kWh/m2/ngày. Bên cạnh đó, khu vực ven biển Quảng Bình kéo dài từ huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, TP. Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy có chiều dài hơn 70km có địa hình khá bằng phẳng, chủ yếu là rừng trồng cây phi lao, đất bạc màu. Do đó, khi đầu tư thì công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện giao thông, đấu nối vào lưới điện quốc gia được đánh giá rất thuận lợi.

Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương hiện tỉnh đang phối hợp với Viện Năng lượng xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia (Quy hoạch điện VIII), trong đó có phát triển hệ thống nguồn điện năng lượng tái tạo.

Cụ thể, tỉnh Quảng Bình đề xuất phát triển 1 dự án điện khí với công suất 3.000MW tại Khu kinh tế Hòn La (huyện Quảng Trạch); 21 dự án điện gió (đã giới thiệu cho các nhà đầu khảo sát) với tổng công suất 3.689MW (trong đó, có dự án Cụm Trang trại điện gió B&T công suất 252MW đã được phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện VII; 5 dự án tổng công suất 572MW đã được UBND trình Bộ Công Thương thẩm định, bổ sung quy hoạch; 13 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 1.241,5MWp (trong đó, có nhà máy điện mặt trời 49,5MWp Dohwa – Lệ Thủy đã được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tháng 10/2017; 3 dự án với tổng công suất 650MWp đã được UBND tỉnh trình Bộ Công Thương thẩm định, bổ sung quy hoạch).

Với lợi thế nhiều giờ nắng, diện tích đất ven biển dài... rất thuận lợi để Quảng Bình phát triển nguồn năng lượng tái tạo - Ảnh: congthuong.vn.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện Sở đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm đến khảo sát, nghiên cứu, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn theo tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thu hút nhà đầu tư

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, ngày 14/7/2019 UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MW thuộc tổ hợp dự án điện năng lượng tái tạo Dohwa - Lệ Thủy của Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 55,6 triệu USD, dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực năm 2017. Hiện chủ tư đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và tiến hành khởi công xây dựng ngày 16/6/2020. Đến nay, Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa đang gấp rút thi công, lắp đặt thiết bị để hoàn thành dự án, theo dự kiến sẽ phát điện thương mại trước ngày 31/12/2020. Liên quan đến dự án, Bộ Công Thương đã chấp thuận phương án đấu nối tạm để phục vụ thí nghiệm và làm các thủ tục COD.

Với điện gió, đến nay Quảng Bình đã có 4 nhà đầu tư xin đăng ký thực hiện dự án. Trong đó, dự án Cụm trang trại điện gió B&T được chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ khởi công trước ngày 10/10/2020. Dự án có tổng công suất 252MW tại xã Gia Ninh, Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và tại xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) với tổng mức đầu tư là 8.904 tỷ đồng, gồm 2 dự án là trang trại điện gió B&T1 có công suất 109,2 MW với kế hoạch vận hành vào tháng 12/2020 và trang trại điện gió B&T2, công suất 142,8 MW với kế hoạch vận hành tháng 6/2021.

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trước mắt, nhà đầu tư sẽ triển khai dự án trang trại điện gió B&T1 có tổng công suất 109,2 MW bao gồm có 26 turbine công suất mỗi turbine 4,2MW và các máy biến áp trung áp 0,72/35kV cùng thiết bị phụ trợ kèm theo, đường kính trụ quay 150m, chiều dài cánh 73,66m và phần trụ quay được treo trên cao cột thép 125m.

Bên cạnh đó, liên danh Công ty CP Tập đoàn Đồng Tâm và Công ty Quadran International thuộc Tập đoàn Lucia (Pháp) cũng đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình cho phép nghiên cứu đầu tư dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Công Thuật - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, ngoài du lịch thì công nghiệp năng lượng tái tạo chính là một trong những ngành được tỉnh rất quan tâm và chú trọng kêu gọi đầu tư. Thời gian tới, Quảng Bình xác định công nghiệp, trong đó có công nghiệp năng lượng tái tạo là ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn, tạo động lực cho nền kinh tế của tỉnh.

“Để phát triển công nghiệp theo mục tiêu đề ra cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ chế ưu đãi đầu tư theo quy định thì tỉnh Quảng Bình thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ và ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp như về tiền thuế đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào dự án, hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động...”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật cho biết thêm.

Link gốc


  • 09/09/2020 02:41
  • Nguồn: congthuong.vn
  • 1008