Phát triển năng lượng tái tạo: Tính toán điện gió ngoài khơi

Gió ngoài khơi sẽ là giải pháp đột phá trong vấn đề phát triển năng lượng tái tạo cho Việt Nam trong tương lai.

Trong diễn đàn “Chính sách phát triển năng lượng tái tạo trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường” do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức, TS Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ TN&MT) cho rằng biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính từ các hoạt động sản xuất đang khiến cho Việt Nam khó khăn hơn khi tiếp cận mục tiêu thiên niên kỷ là đảm bảo phát triển kinh tế trong môi trường mang tính bền vững.

Giải pháp phát triển năng lượng xanh trên thế giới, trong đó có điện gió ngoài khơi sẽ là giải pháp đột phá cho Việt Nam trong tương lai.

Điện gió ngoài khơi sẽ là hướng đi đột phá cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam - Ảnh:baodatviet.vn.

Như mục tiêu mà Việt Nam đã đề ra, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân có điện. Đến năm 2030 hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý.

Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường khoảng 5% vào năm 2020, khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050.

Đặc biệt là tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nội dung: Đối với điện gió và điện mặt trời, ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý.

Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Trong phát triển năng lượng tái tạo thì điện gió ngoài khởi (ĐGNK) đang có bước phát triển vượt bậc trên thế giới. Theo đánh giá của tổ chức năng lượng quốc tế, tài nguyên ĐGNK toàn cầu có tiềm nặng đạt 420.000TWh hàng năm, nhiều gấp 18 lần nhu cầu hiện tại của toàn thế giới.

Thị trường ĐGNK gia tăng liên tục hàng năm 30% từ năm 2010 đến năm 2018. Dự báo của tổ chức năng lượng quốc tế, đến năm 2040 thì ĐGNK toàn cầu sẽ có số vốn đầu tư phát triển khoảng 1.000 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng công suất lắp đạt hàng năm là 13%.

Trong đó, tại Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2019, chúng ta có tiềm năng 475GW ĐGNK. Hiện nay tổng các nhà máy điện của Việt Nam là 40GW, đang hoạt động với các nguồn chính là thủy điện, nhiệt điện than và cơ bản đang dần cạn kiệt.

Năm 2020, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 trung tâm điện gió biển khu vực Đông Nam Á. Tính đến tháng 9/2020, chúng ta có 67 dự án điện gió với công suất là gần 10GW và 14 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất gần 30GW, đứng thứ 8 trong danh sách các quốc gia có điện gió ngoài khơi trên thế giới.

Vùng ven biển nước ta, đặc biệt vùng phía Nam có diện tích rộng khoảng 142.000km2, có độ sâu từ 0 - 60m, tốc độ gió ở vùng này đạt trung bình ở độ cao 100m là hơn 7 - 10m/s. Có những trang trại tuabin gió ở Bạc Liêu đã đi vào vận hành và cung cấp khoảng 300kWh/năm, mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt tới 1.000 MW.

Trước những tiềm năng to lớn trên, TS Dư Văn Toán cho rằng, năng lượng gió ngoài việc phát triển đảm bảo nguồn điện hòa vào mạng lưới điện quốc gia thì còn tạo ra những điểm thăm quan, du lịch, học tập và là "mắt thần" giúp tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển của Tổ quốc.

"Để tận dụng được hết khả năng ĐGNK, chúng ta cần phải sớm xây dựng chiến lược, quy hoạch, lộ trình phát triển riêng những dự án điện gió ngoài biển đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045. Từ cơ sở này sẽ xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án ĐGNK và các năng lượng biển khác.Trong đó, đặc biệt lưu ý tới chính sách đặc thù cho các dự án ĐGNK xa bờ có công suất lớn hơn 500MW. Tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ điện tái tạo biển mới, đồng thời tích hợp các ngành kinh tế biển và năng lượng tái tạo biển, tham gia thành viên các tổ chức quốc tế ĐGNK, tổ chức năng lượng đại dương thế giới..." - ông Toán bày tỏ.

Link gốc


  • 21/10/2020 02:18
  • Nguồn: baodatviet.vn
  • 1326