Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam: Doanh nghiệp, địa phương nói gì?

Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước mong muốn đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Điều kiện thực tế với những khó khăn, thuận lợi nào đã và đang chờ đón họ? Dưới đây là chia sẻ của lãnh đạo các doanh nghiệp, địa phương về vấn đề này.

Ông Huỳnh Kim Lập

Ông Huỳnh Kim Lập - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân (Thiên Tân Group): Chờ cơ chế về giá điện mặt trời

Từ 5 - 6 năm trước, Thiên Tân Group đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra định hướng đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Đến nay, Thiên Tân Group đang triển khai 2 dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận và Quảng Ngãi.

Cụ thể, Nhà máy điện mặt trời ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi là công trình đầu tiên trong chuỗi dự án năng lượng tái tạo của Thiên Tân Group tại Việt Nam, được khởi công vào tháng 8/2015. Nhà máy có công suất 19,2 MW, tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Đến nay, đã tiến hành san gạt xong mặt bằng và bắt đầu mua sắm trang thiết bị. Công ty đang chờ Nhà nước ban hành cơ chế về giá điện mặt trời, trên cơ sở đó, sẽ tiến hành lắp đặt và đưa Nhà máy vào vận hành.

Thiên Tân Group cũng được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời tại huyện Bác Ái công suất 1.000 MW, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD (khoảng hơn 40.000 tỷ đồng). Dự án này đã được đưa vào Quy hoạch điện VII và cũng đang chờ cơ chế giá bán điện mặt trời.

Việc đầu tư điện mặt trời nối lưới còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước cần phải nghiên cứu, xem xét năng lực cụ thể của các chủ đầu tư, để các dự án điện mặt trời thực sự phát huy hiệu quả khi đi vào thực tế.

Mặt khác, Nhà nước cũng cần sớm ban hành cơ chế, chính sách về điện mặt trời, làm cơ sở để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các dự án điện mặt trời vào hoạt động.

Ông Hồ Sơn Hùng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận: Cần thận trọng khi chọn địa điểm

Bình Thuận rất ủng hộ chủ trương phát triển điện mặt trời. Tuy nhiên, quan điểm của Tỉnh là cần thận trọng trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy. Cụ thể, những địa điểm xây dựng các nhà máy điện mặt trời phải là những vùng đất khô cằn, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả; không liên quan đến các loại rừng như rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội...

Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt 2 dự án điện mặt trời nằm trên địa bàn huyện Tuy Phong, bổ sung vào Quy hoạch điện lực tỉnh. Đây là các dự án do nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Liên doanh giữa Việt Nam - Malaysia triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có các cơ chế, chính sách cụ thể về các dự án điện mặt trời như chính sách về thuế, phí, giá điện mặt trời nối lưới... nên tiến độ triển khai các dự án vẫn còn chậm. Hiện cả hai dự án đều đang ở giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, chưa thi công.

  Ông Nguyễn Văn Giáp

Ông Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu: Thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo ở Côn Đảo

Nhà máy Điện mặt trời Côn Đảo được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2015 và là nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên được đấu nối vào lưới điện Côn Đảo. Mặc dù sản lượng điện thương phẩm chỉ đạt khoảng 50 MWh/năm, nhưng đây là tiền đề cho việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng hòa vào lưới điện của Côn Đảo trong tương lai gần. Thời gian qua, Nhà máy đã vận hành ổn định, góp phần quan trọng vào việc cung ứng điện an toàn, liên tục và bảo vệ môi trường sinh thái ở Côn Đảo.

Từ những hiệu quả đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang có kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời thứ 2 tại Côn Đảo với công suất đặt khoảng 3 MW. Tháng 6/2016, EVNSPC và Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy. Dự kiến, công trình sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2016-2017) công suất đặt 1 MW, giai đoạn 2 (2017-2018) công suất đặt 2 MW.

Có thể khẳng định, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu đang dần cạn kiệt, giá thành cao và gây ô nhiễm môi trường sống, thì việc đầu tư, phát triển điện mặt trời không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn giúp tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để phát triển nguồn năng lượng này, rất cần cơ chế phù hợp và sự tạo điều kiện, phối hợp hiệu quả của địa phương và các cơ quan chức năng.

 


  • 20/09/2016 09:17
  • Theo: TCDL Chuyên đề QL&HN
  • 5577