Ngành thủy sản giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất nhờ tiết kiệm năng lượng

Nhiều doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản đã và đang chú trọng đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, sử dụng năng lượng trong nuôi trồng và chế biến thủy sản chiếm khoảng 30% tổng giá thành sản phẩm nên tiềm năng tiết kiệm năng lượng là rất lớn. Do đó, việc các doanh nghiệp mạnh dạn đầu ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại để cải tiến quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong công nghiệp chế biến

Từ khi mới thành lập, Công ty Cổ phần Hùng Vương tại Tiền Giang đã chú trọng tới việc tiết kiệm năng lượng. Nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng đã được công ty áp dụng và mang lại hiệu quả cao như sử dụng biến tần cho các quạt băng chuyền, máy trộn; bảo dưỡng định kỳ máy nén lạnh theo yêu cầu của nhà sản xuất; cố gắng tránh vận hành máy vào giờ cao điểm; hạn chế thất thoát nhiệt ở kho lạnh bằng cách dùng cửa màng nhựa che chắn khu vực chế biến với khu thay đồ, cắt tiết; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; nhắc nhở nhân viên triệt để tiết kiệm điện… Nhờ đó, công ty đã xây dựng được mức tiêu hao năng lượng định mức cho toàn nhà máy dựa trên số liệu năng lượng tiêu thụ và sản lượng sản phẩm hàng tháng. 

Để xác định nguyên nhân sử dụng năng lượng tăng đột biến ở từng khu vực, công ty đã tiến hành xây dựng hệ thống quản lý năng lượng (QLNL) gồm: thành lập Ban QLNL; xây dựng chính sách, mục tiêu sử dụng năng lượng, kế hoạch thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xây dựng hệ thống biểu mẫu theo dõi, thống kê, phân tích năng lượng tiêu thụ; lắp đặt hệ thống đo lường ở những nơi tiêu thụ năng lượng chính… Từ hệ thống này, số liệu năng lượng tiêu thụ ở từng khu vực được ghi nhận hàng ngày.

Trên cơ sở đó, cán bộ quản lý năng lượng sẽ tính ra suất tiêu hao năng lượng trung bình ở từng khu vực sản xuất của nhà máy, từ đó, dễ dàng đánh giá, đề xuất và khắc phục kịp thời những sự cố gây ra việc sử dụng năng lượng vượt định mức. Chẳng hạn, ở tủ đông 1, một số ngày có định mức tiêu hao năng lượng cao hẳn lên so với bình thường. Nhờ theo dõi kịp thời, cán bộ năng lượng phát hiện ra nguyên nhân là do máy bị tràn gas lỏng, và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Ngoài ra công ty còn áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng khác và đã mang lại hiệu quả không nhỏ. Anh Thơ - cán bộ phòng kỹ thuật cho biết: "Công ty đã thay cối đá vảy tại phân xưởng 2 bằng loại cối của Trung Quốc. Nhờ đó không phải tốn tiền mua thêm đá bên ngoài như trước đây mà lượng đá do những cối mới làm ra trong mỗi giờ đồng hồ, dư sức để  công ty có thể cho toàn bộ cối đá vảy ngừng chạy trong 3 tiếng đồng hồ của giờ cao điểm. Trong 2 giờ cao điểm còn lại, chỉ cần chạy khoảng 2 cối là đã đủ đá dùng. Tính ra, những cối đá vảy loại mới giúp tiết giảm 300 kWh/ngày… Mỗi năm, nhờ những biện pháp nói trên, Công ty Hùng Vương tiết kiệm được từ 10-15% năng lượng."

Một điển hình khác tiết kiệm năng lượng trong chế biến thủy sản là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Cụ thể, Minh Phú mạnh dạn đầu tư sử dụng bóng đèn Led thay cho đèn huỳnh quang trong chiếu sáng nhà xưởng chế biến, sử dụng thiết bị cấp đông siêu tốc tiết kiệm điện, sử dụng nhiên liệu sinh khối Biomass…

Lý giải cho quyết định thay thế bóng đèn huỳnh quang bằng bóng đèn Led, ông Thái Hoàng Hùng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết: “Bóng đèn LED không hư hỏng đột xuất nên không tốn chi phí bảo trì sửa chữa thay thế thiết bị hàng tuần như đèn huỳnh quang. Ngoài việc thân thiện với môi trường LED còn an toàn đối với người sử dụng, phù hợp với các tiêu chuẩn công nghiệp dành cho các ngành thực phẩm vì vỏ của đèn LED được làm bằng chất dẻo tổng hợp cho nên hoàn toàn không bị bể, vỡ khi bị ngoại lực tác động, do đó không sợ vật lạ của đèn lẫn vào sản phẩm. Đặc biệt, do hệ số tỏa nhiệt thấp nên giảm chi phí năng lượng điện chạy điều hòa. Nên lợi ích đem lại lại càng lớn."

Còn về hệ thống cấp đông vốn “ngốn” nhiều năng lượng nhất cũng được Tập đoàn mạnh dạn đầu tư, thay thế. Cụ thể, thiết bị cấp đông nhanh IQF truyền thống trước đây ngoài kích thước phòng cấp đông dài chiếm diện tích lớn, mất năng lượng bởi tổn thất ra môi trường xung quanh, thời gian cấp đông với cùng loại sản phẩm trung bình 14 phút (cho tôm PTO size 16/20. Với thiết bị cấp đông IQF siêu tốc, thời gian cấp đông sẽ được rút ngắn còn lại 5 phút. Bên cạnh đó, IQF siêu tốc kết hợp thiết bị phụ trợ LVS + hệ thống xả tuyết bằng khí nén, máy nén được thiết kế phù hợp và được lập trình nhằm phát huy hết khả năng thiết bị giảm thiểu tối đa công suất.

Điểm đáng chú ý là Tập đoàn đầu tư thay thế và sử dụng nồi hơi sử dụng nhiên liệu sinh khối Biomass. Nếu như trước đây sử dụng dầu DO trung bình là 460,848 vnđ/1 tấn thành phẩm thì khi sử dụng Biomass thay dầu DO thì chỉ còn trung bình là 282,165 vnđ/1 tấn thành phẩm. Như vậy, trung bình Minh Phú tiết kiệm được 178,683vnđ /1 tấn thành phẩm, tương đương tiết kiệm được khoảng 45%.

“Đầu tư thiết bị tiêu thụ năng lượng ở mức thấp nhất, sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, phát triển gắn liền với bền vững là mục đích của Minh Phú” - Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc khẳng định.

Trong nuôi trồng thủy sản

Ứng dụng công nghệ mới hay sử dụng năng lượng tái tạo tiết kiệm để tiết kiệm chi phí sản xuất được các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng ngành thủy sản đặc biệt quan tâm. Ông Lý Bình Đẳng, Phó Giám đốc Kinh doanh, Công ty tôm giống số 1 Duyên Hải tại TP Cần Thơ, cho biết: Mỗi năm, công ty cung cấp từ 7-8 triệu con giống tôm thẻ chân trắng cho các cơ sở, doanh nghiệp và hộ nuôi tôm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Công ty đã và đang ứng dụng tấm pin năng lượng mặt trời vừa tạo điện năng phục vụ cho thắp sáng, vừa làm mái che cho các ao ương con giống, sử dụng các động cơ tiết kiệm điện năng cho hệ thống quạt nước giúp tiết kiệm từ 10-20% điện năng tiêu thụ/tháng.

Hay tại Công ty Cổ phần Trường Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế cũng chủ động tìm giải pháp để tiết kiệm năng lượng như sử dụng “con lăn” cho cánh quạt nuôi tôm. Cánh quạt nuôi tôm trước đây được cố định trên các thanh cọc gỗ bằng các tấm bố nhựa đối với dàn quạt cắm cọc trên ao đất hoặc các tấm ván khoét lỗ đối với dàn quạt sử dụng phao nổi. Các thiết bị này tạo ra ma sát rất lớn trong lúc chạy quạt, do đó đòi hỏi phải sử dụng motor hoặc máy nổ công suất lớn dẫn đến chi phí điện cao.

Sau khi tìm hiểu và sử dụng con lăn cho cánh quạt nuôi tôm, toàn bộ dàn quạt nước đã hoạt động nhẹ nhàng hơn bởi ma sát giảm hơn 95%. Từ động cơ motor 5HP, chỉ cần sử dụng 3HP và từ 3HP giảm xuống 2HP. Thực hiện các giải pháp này, Công ty đã tiết kiệm được 10% lượng điện năng tiêu thụ, đồng thời tuyệt đối an toàn và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Trước áp lực cạnh tranh thị trường, việc tiết kiệm chi phí sản xuất, nhất là tiết kiệm năng lượng từ đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm là giải pháp giúp các doanh nghiệp ngành thủy sản nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh thị trường trong bối cảnh hội nhập.

Link gốc


  • 01/11/2021 10:19
  • Nguồn: https://tietkiemnangluong.com.vn/
  • 1544