Năng lượng xanh và cuộc cách mạng của các nước đang phát triển

Trước những tác động ngày càng tiêu cực đối với môi trường trong vài năm trở lại đây, thế giới cần có bước thay đổi mang tính cách mạng, trong đó nổi bật là ngành công nghiệp năng lượng và đi đầu là các nước đang phát triển.

Sự khác biệt về công nghệ

Trong 25 năm qua, mức tăng tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người đã định hình lại hệ thống năng lượng toàn cầu nhưng quá trình này vẫn còn một chặng đường dài và sẽ tiếp tục đóng vai trò chi phối ít nhất là đến năm 2050.

Nếu các nước ngoài OECD tiêu thụ năng lượng ở mức bình quân đầu người như các nước OECD thì tổng mức tiêu thụ sẽ là 1.332 EJ thay vì 582 EJ vào năm 2019, gấp hơn 2 lần. Con số này tương đương mức tiêu thụ dầu toàn cầu là 223 triệu thùng/ngày thay vì 98 triệu, mức tiêu thụ khí đốt 8.900 tỷ m3/năm thay vì 3.900 và tiêu thụ than là 19 tỷ tấn/năm thay vì 8 tỷ.

Trong quá khứ, các nền kinh tế OECD là nguồn phát thải phần lớn khí nhà kính ra môi trường nhưng trong tương lai, trách nhiệm này chủ yếu thuộc về các nền kinh tế bên ngoài OECD. Các nền kinh tế OECD cần tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, tuy vậy trong tương lai, quyết định của các nền kinh tế bên ngoài OECD sẽ có tác động thực tế lớn hơn.

Việc phổ biến nhanh chóng công nghệ giảm khí thải ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ là điều vô cùng cần thiết nếu các nhà hoạch định chính sách muốn mức phát thải chững lại và giảm xuống. Hiện nay, một số nhà hoạch định chính sách và nhà công nghiệp của OECD đã bắt đầu thúc đẩy các công nghệ giảm khí thải, định giá và điều chỉnh giới hạn carbon, coi đây là một lợi thế cạnh tranh với các nền kinh tế bên ngoài OECD.

Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách ngoài OECD có khả năng từ chối đánh đổi việc nâng cao thu nhập và tiêu thụ năng lượng để giảm lượng khí thải. Cách duy nhất để cân bằng hai yếu tố là đảm bảo các nước này được tiếp cận với các công nghệ năng lượng mới càng nhanh càng tốt và rẻ nhất có thể.

Các nền kinh tế đang phát triển sẽ đóng vai trò then chốt đối với năng lượng toàn cầu trong tương lai

Kinh tế đang “phá hoại” môi trường

Khi các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia tập trung tại Glasgow hôm 31-10 để dự Hội nghị COP26, ưu tiên hàng đầu sẽ là đề ra lượng khí thải carbon mà mỗi nước cần cắt giảm để thế giới tránh được mức độ thảm khốc của biến đổi khí hậu. Báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 26-10 cho thấy với các cam kết hiện tại, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 2,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - cao hơn nhiều so với mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là hạn chế con số này ở mức 1,5 độ C.

Trong gần 200 năm, bắt đầu từ cuối những năm 1700, khi than đá góp phần mở ra cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh, các nước đã phát triển nhanh chóng nhờ nhiên liệu hóa thạch. Nếu hoạt động kinh tế trên toàn thế giới càng nhộn nhịp thì lượng khí thải càng lớn.

Những năm gần đây, mối liên hệ này ngày càng rõ nét hơn: lượng khí thải đạt đỉnh vào năm 2018 và 2019 trước khi giảm 6% do đại dịch COVID-19. Đà phục hồi kinh tế trong năm 2021 đang đẩy lượng khí thải tăng lên gần bằng mức của năm 2019. Đối với hầu hết các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, thực hiện công nghiệp hóa muộn hơn, lượng khí thải tiếp tục tăng.

Một số người đang tỏ ra hoài nghi về việc coi tăng trưởng kinh tế như một thước đo thành công. Tuy nhiên, để cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khả thi, thế giới cần cắt giảm lượng khí thải mà không gây ra tác động lớn về kinh tế. Trong vài thập kỷ qua, lượng khí thải ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới đã đạt đỉnh và bắt đầu giảm. Ở 32 quốc gia, yếu tố khí thải và phát triển kinh tế đã “tách biệt hoàn toàn”, nghĩa là nền kinh tế vẫn phát triển ổn định ngay cả khi lượng khí thải giảm xuống.

Bài học từ lịch sử

Mỗi nước sẽ có biện pháp cắt giảm khí thải khác nhau nhưng các nền kinh tế lớn đã để lại nhiều bài học để thế giới hướng tới mức phát thải ròng bằng 0. Theo Mattauch, có lẽ cơ bản nhất là tăng trưởng kinh tế không còn gắn liền với khí thải.

Ông nói: “Lý do con người có thể giảm lượng khí thải mà vẫn tăng trưởng kinh tế là vì phần lớn giá trị kinh tế của chúng ta không bắt nguồn từ những sản phẩm tiêu tốn năng lượng (trong đó có các ngành dịch vụ như y tế, khách sạn và giáo dục), đóng góp ngày càng nhiều vào GDP toàn cầu”.

Bài học thứ hai là các nước đang phát triển không đủ khả năng để đi theo con đường sử dụng nhiên liệu hóa thạch giống như các nước phát triển đã làm.

Bà Kelly Levin - Trưởng nhóm nghiên cứu về khí thải của Viện Tài nguyên Thế giới và hiện là trưởng bộ phận khoa học, dữ liệu và thay đổi hệ thống tại Quỹ Trái đất trị giá 10 tỷ USD của tỷ phú Jeff Bezos nói: “Hiện nay, các công nghệ có giá thành rất khác so với năm 2010”.

Bà Levin chỉ ra sự sụt giảm nhanh chóng về chi phí cho các nguồn năng lượng tái tạo và những tiến bộ trong việc phổ biến các loại xe chạy bằng điện. Điều này đồng nghĩa các nước đang phát triển có thể sẽ không phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong thời gian tới - đặc biệt nếu họ được các nước giàu trợ cấp tài chính nhằm chống biến đổi khí hậu như cam kết trước đó.

Thứ ba, việc giảm giá thành các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là động cơ mạnh mẽ để giảm lượng khí thải. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng này chưa đủ nhanh và chưa tiếp cận toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế để đưa mức phát thải ròng về 0. Chuyên gia Levin cho rằng các nước cần những “chính sách và thể chế phù hợp” để đạt được mục tiêu.

Bà Levin nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang đánh giá thấp tốc độ và quy mô thay đổi. Mặc dù vậy, điều này sẽ cần thời gian và sự đóng góp của toàn thế giới”.

Link gốc


  • 01/01/2022 03:29
  • Nguồn: antg.cand.com.vn
  • 2878