‘Mối quan tâm của cộng đồng về ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải công nghiệp – Vấn đề mới nổi’

Là chương trình tọa đàm được Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) phối hợp tổ chức ngày 12/6 tại Hà Nội.

Buổi tọa đàm nhằm khuyến nghị các giải pháp chính sách bảo vệ môi trường không khí trước bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường đang được thảo luận tại kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Tham gia trao đổi tại buổi tọa đàm có các chuyên gia, diễn giả PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên Đại biểu Quốc hội - Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá XIII; PGS. TS Nguyễn Huy Nga – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế – Bộ Y tế.

Khách mời và các diễn giả tham gia buổi tọa đàm 'Mối quan tâm của cộng đồng về ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải công nghiệp – Vấn đề mới nổi’. Ảnh: Minh Phương.

PGS. TS Nguyễn Huy Nga – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế – Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề nóng và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Bởi lẽ, chúng ta đã thấy những tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, cuộc sống một cách rõ ràng.

Dẫn chứng về việc các ngành công nghiệp gây ảnh hưởng lớn về ô nhiễm không khí, ông Trịnh Văn Sỹ - Hội cựu chiến binh xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đại diện cho người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí cho biết, xung quanh xã Thanh Hải, nơi ông đang sinh sống hiện có đến 5 nhà máy xi măng đang hoạt động. Buổi chiều, nắng nóng, cả khu vực mấy chục cây số khói bụi mờ như sương.

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, hiện nay, tổ hợp gây ô nhiễm không khí có rất nhiều như đốt rơm rạ, đốt than tổ ong, giao thông, công nghiệp, khai thác đá,... Vì vậy để giảm thiểu ô nhiễm không khí cần phải có hệ thống thiết bị giám sát, đo đạc với những số liệu chuẩn xác về ô nhiễm không khí để từ đó biết rõ ngành nào gây ô nhiễm nhiều, ngành nào gây ô nhiễm ít. Đồng thời, phải có cơ quan kiểm tra chéo để có số liệu trung thực nhất. Nếu không từng bước thực hiện và quyết liệt thì rất khó trong việc giải quyết ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải công nghiệp nói riêng.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, khách mời cũng cho rằng cần có những quy định và biện pháp chặt chẽ hơn về quy chuẩn kỹ thuật cũng như chế tài xử lý đối với các nguồn phát thải công nghiệp và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật bảo vệ môi trường đang được sửa đổi.

Dịp này, Liên minh VSEA và Liên minh NCDs-VN đã trao giải cho các tác giả đoạt giải Cuộc thi Vành khuyên xanh với các tác phẩm truyền thông về chủ đề ô nhiễm không khí do VSEA và NCDs-VN tổ chức. Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.


  • 15/06/2020 03:49
  • Minh Phương
  • 994