Lâm Đồng đẩy mạnh lắp đặt điện mặt trời mái nhà

Điện mặt trời là một trong những loại năng lượng sạch, được khuyến khích sản xuất và tiêu dùng với mục tiêu giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Tại Lâm Đồng, sản xuất điện mặt trời mái nhà đang tăng dần theo một hướng đi khá ổn định, đó là lắp đặt và sử dụng điện mặt trời phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của bản thân doanh nghiệp, hộ gia đình, phần điện dư bán lại cho ngành Điện.

Kiểm tra hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại Đạm Ri, Bảo Lộc.

Doanh nghiệp tư nhân sản xuất gạch Trần Quang Phúc, thôn Liên Trung, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà là một trong những doanh nghiệp sử dụng điện lớn. Đại diện doanh nghiệp cho biết, mỗi tháng doanh nghiệp phải chi trả trên 30 triệu đồng tiền điện phục vụ sản xuất. Chi phí tiền điện là một trong những chi phí lớn của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp Trần Quang Phúc đã chủ động lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái ngay tại khu sản xuất.

Với suất đầu tư 12 triệu đồng/kWp, doanh nghiệp đã bỏ ra 1,8 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời tổng công suất 150 kWp, hệ thống pin được đặt trực tiếp lên hệ thống mái của xưởng; thu được sản lượng khoảng 280kWh/ngày với trung bình 5h nắng, đủ cung cấp điện cho một số máy móc của xưởng hoạt động. Kể cả trong những mùa ít nắng, hệ thống điện năng lượng mặt trời vẫn giúp giảm tiêu thụ điện, giảm chi phí tiền điện, nhất là tiền điện cao trong giờ cao điểm.

Gia đình ông Nguyễn Chuyết, đường Hai Bà Trưng, thành phố Bảo Lộc cũng đang sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái công suất 20 kWp. Ông Chuyết cho biết, gia đình ông làm lò bánh mì truyền thống từ nhiều năm, lượng điện tiêu thụ để vận hành lò bánh rất lớn. “Trước đây, khi chưa lắp đặt hệ thống, mỗi tháng gia đình tôi chi phí hết 12-14 triệu đồng tiền điện, nay hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp gia đình giảm chi phí đồng nghĩa tăng thêm thu nhập” - ông Nguyễn Chuyết cho hay.

Hầu hết các doanh nghiệp, gia đình đã lắp đặt điện năng lượng mặt trời mái nhà đều là những nơi sử dụng điện nhiều, chi phí chi trả tiền điện lớn, việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp họ chủ động được trong tiêu thụ điện và giảm chi phí hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết, việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với mục đích đầu tiên để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp, gia đình là mục tiêu hết sức hữu ích. Vào thời gian ban ngày, cũng là thời gian cao điểm sử dụng điện, hệ thống điện năng lượng mặt trời hoạt động và tự cung cấp điện cho doanh nghiệp, giảm sử dụng điện lưới. Tới ban đêm, nhu cầu sản xuất cũng đã giảm, doanh nghiệp, hộ gia đình có thể chuyển sang sử dụng điện lưới. Doanh nghiệp, hộ gia đình giảm sự phụ thuộc vào điện lưới, giảm chi phí tiền điện, đồng thời ngành Điện cũng giảm áp lực khi phải cung ứng lượng điện tăng cao vào giờ cao điểm.

Việc “tự sản, tự tiêu” của doanh nghiệp, hộ gia đình cũng giúp ngành Điện giảm chi phí xây dựng hệ thống truyền tải, trạm biến áp để tiếp nhận và phân phối lượng điện năng lượng mặt trời lớn vào thời điểm ban ngày.  Bởi vậy, ngành Điện khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện lớn, có mặt bằng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để tự phục vụ sản xuất, giảm chi phí cũng như bớt lệ thuộc vào điện lưới quốc gia. Lượng điện dư phát lên lưới, công ty sẽ mua lại theo giá quy định.

“Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã có 195 khách hàng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 1.863,93 kWp. Hầu hết trong số lắp đặt mới đều là các doanh nghiệp, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện lớn. Đây là hướng phát triển điện năng lượng mặt trời hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, hộ gia đình, đồng thời giảm áp lực cho ngành Điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong sản xuất và đời sống”, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm.


  • 05/08/2020 04:20
  • Diệp Quỳnh
  • 1595