Kinh nghiệm phát triển năng lượng sạch của Thụy Sĩ

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng sạch; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Thụy Sĩ - quốc gia nhỏ nằm trong lòng châu Âu là một trong những nước đi đầu về phát triển năng lượng sạch.

Gắn sử dụng NLTT với phát triển bền vững

Năm 2019, Thụy Sĩ nằm trong top 3 nước hàng đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng; cùng với Thụy Điển và Na Uy; hệ thống năng lượng của Thụy Sĩ được đánh giá hàng đầu thế giới, khi gần 2/3 điện năng được sản xuất từ các nguồn NLTT (thủy điện, điện mặt trời, điện gió).

Tại Thụy Sĩ, các phạm trù như sinh thái học, phát triển bền vững, NLTT, bảo vệ môi trường luôn được nhắc đến trong nhận thức của người dân quốc gia này. Đơn cử, bất cứ một thành phố nào của Thụy Sĩ cũng có những thùng rác tái chế. Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ tái chế chất thải đã tăng từ 15% lên đến 57% ở bang Vaud (một trong 26 bang của Thụy Sĩ). Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá Thụy Sĩ là một trong những nước có tỷ lệ tái chế chất thải cao nhất toàn cầu.

Ngoài ra, việc thực thi pháp luật của công dân nước này về năng lượng, môi trường cũng hết sức nghiêm túc. Quốc gia này từ lâu đã rất chú trọng đến xây dựng chính sách năng lượng xanh phục vụ phát triển bền vững. Chính phủ Thụy Sĩ đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật phát nghiêm ngặt về môi trường và được quy định rõ trong Hiến pháp Thụy Sĩ 1971. Theo đó, việc áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước. Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng năng lượng xanh, NLTT là một trong những nội dung cơ bản được đề cập đến trong giáo dục - đào tạo ở mọi cấp học của Thụy Sĩ.

Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) năm 2018 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới và các đối tác thực hiện xếp hạng các quốc gia thực thi các vấn đề bảo vệ môi trường có mức độ ưu tiên cao, Thụy Sĩ là quốc gia đứng đầu với số điểm cao nhất: 87,42/100.

Năng lượng tái tạo đang phát triển rất nhanh tại Thụy Sĩ

Đa số người dân Thụy Sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ sử dụng NLTT cho dù điều này có thể dẫn đến tăng tiền điện. NLTT không hề rẻ và Thụy Sĩ đã phải huy động mọi nguồn lực để có được Quỹ tài trợ cho sáng kiến sử dụng NLTT. Việc phát triển các công nghệ bảo vệ môi trường trong tương lai sẽ tạo ra làn sóng đổi mới ở Thụy Sĩ. Kết quả công trình nghiên cứu khoa học xã hội năm 2017 của Thụy Sĩ cho thấy, lĩnh vực này đã và đang bùng nổ với số lượng việc làm tăng 25%. Với khoảng 4.000 bằng sáng chế trên một triệu dân, Thụy Sĩ đã tạo ra khoảng 32.000 bằng sáng chế và đứng đầu về việc thành lập các doanh nghiệp công nghệ xanh.

Thụy Sĩ cũng là quốc gia liên tục có các ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm. Nổi bật trong số đó là ý tưởng “Thành phố Năng lượng”. Theo ý tưởng này, mọi thứ trong thành phố đều thân thiện với môi trường. Phần lớn diện tích thành phố được tận dụng làm không gian xanh. 100% điện năng sử dụng đều là từ NLTT và áp dụng theo công nghệ điện lưới thông minh. Ngoài ra, nước sử dụng được tiết kiệm tối đa nhờ được thiết kế theo chu trình khép kín, nhà cửa đều được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn sinh thái… Tính đến nay, đã có hơn 400 thành phố tại Thụy Sĩ đã được công nhận là “Thành phố năng lượng”.

Trong lĩnh vực xây dựng, nhãn “Minergie” (nhãn chất lượng sử dụng năng lượng hiệu quả) là “bảo chứng” xác định việc sử dụng năng lượng hiệu quả tại mỗi tòa nhà, căn hộ. Hơn một triệu người dùng và khoảng 45.000 tòa nhà đã có được nhãn “Minergie” trong hai thập kỷ qua. Được công nhận là một trong những nhãn hiệu khắt khe nhất về mặt phát triển bền vững, “Minergie” đã trở thành một tiêu chí lựa chọn cho nhiều người Thụy Sĩ về chỗ ở. Các đặc điểm khác biệt của các tòa nhà Minergie bao gồm việc tiêu thụ năng lượng rất thấp và việc có thể sử dụng tối đa NLTT.

An toàn, tiết kiệm chi phí

Chiến lược năng lượng Thụy Sĩ 2050 (Chiến lược) đề cập đến sự chuyển đổi từng bước của hệ thống năng lượng theo hướng cung cấp nguồn NLTT an toàn và tiết kiệm chi phí. Theo đó, năng lượng mặt trời phải chiếm ít nhất 2% sản lượng điện toàn quốc vào năm 2050. Tuy nhiên, Hiệp hội Thương mại Năng lượng mặt trời Thụy Sĩ (Swissolar) cho rằng, mục tiêu trên có thể điều chỉnh tăng lên 5% vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu mới, Swissolar đang kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho các cơ sở phát triển năng lượng mặt trời.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Thụy Sĩ đã triển khai và thông qua nhiều giải pháp cụ thể trong Kế hoạch hành động kinh tế xanh, tập trung vào hỗ trợ tài chính cho bảo vệ môi trường, đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ tăng trưởng xanh, thúc đẩy công nghệ môi trường và đổi mới sinh thái, “xanh hóa” hệ thống thuế và phí thông qua các sắc thuế môi trường...

Chính phủ Thụy Sĩ cũng đã đề ra các mục tiêu khí hậu trong ngắn hạn và trung hạn theo Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu của Công ước khung của Liên hợp quốc và các đóng góp trên phạm vi toàn quốc theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Thụy Sĩ cam kết giảm 20% lượng khí thải nhà kính vào năm 2020 và 50% vào năm 2030 so với mức cơ sở năm 1990.

Trong khi gói giải pháp đầu tiên có hiệu lực, các nghiên cứu đánh giá chính sách năng lượng hiện tại từ góc độ kinh tế và tiến hành thảo luận về khả năng có các biện pháp tiếp theo, từ đó đưa ra cái nhìn tổng quan về các quy tắc thị trường khác nhau nhằm hỗ trợ Chiến lược. Cụ thể, nghiên cứu xem xét hiệu lực và hiệu quả của các giải pháp có và đề xuất các giải pháp thay thế theo ba mục tiêu chính sách: Mở rộng sản xuất NLTT, bảo đảm cung cấp và giảm phát thải khí nhà kính…

Ngày nay, Thụy Sĩ có được nguồn cung cấp năng lượng an toàn và tiết kiệm chi phí. Sự phát triển kinh tế và công nghệ cũng như các quyết định chính trị trong và ngoài nước hiện đang dẫn đến những thay đổi cơ bản trong thị trường năng lượng. Việc phát triển Chiến lược cũng nhằm chuẩn bị cho Thụy Sĩ đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, góp phần giảm tác động môi trường liên quan đến lĩnh vực năng lượng của quốc gia này. 
 


  • 15/09/2020 02:37
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1681