Đây là nội dung chính tại buổi Tọa đàm “Mở đường cho phát triển năng lượng tái tạo” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp với Trung tâm Khuyến viên và Dịch vụ nghề vườn Việt Nam (Trung tâm Vị nông) tổ chức tại Nghệ An vào sáng 24/3.
Theo kết quả nghiên cứu, khảo sát sơ bộ, Nghệ An có khoảng 1.600 ha diện tích có thể khai thác đầu tư năng lượng mặt trời, tương đương công suất 1.300 MWp. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn và vướng mắc, nên đến nay Nghệ An chưa có nhà máy điện mặt trời nào được duyệt vào quy hoạch phát triển điện lực.
Năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và một số dạng năng lượng khác được Chính phủ quy hoạch và xác định là một trong những nguồn cung cấp đảm bảo năng lượng quốc gia. Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực nghiên cứu triển khai. Tại Nghệ An đã có những bước đi đầu tiên trong việc lập quy hoạch và xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ An - đã trình bày các kiến nghị, đề xuất để Nghệ An phát triển năng lượng tái tạo như: Cần có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và có cơ chế giá phù hợp cho từng địa phương; Bộ Công Thương cần có lộ trình cụ thể về phát triển điện mặt trời, điện gió cho Nghệ An; Hỗ trợ Nghệ An giới thiệu tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư khai thác năng lượng tái tạo.
"Trong thời điểm ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động hiện nay thì việc phát triển năng lượng sạch là cần thiết", bà Hường nhấn mạnh.
Thời gian qua, Nhà nước, các Bộ, ngành cũng đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới.
Mặc dù năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích nhưng hiện nay vẫn chưa được phát triển nhanh, rộng tại Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Nghệ An nói riêng. Nguyên nhân là bởi nhà đầu tư còn gặp phải nhiều rào cản như: Rào cản về thể chế; rào cản pháp lý; rào cản đầu tư; rào cản kỹ thuật; rào cản thương mại; rào cản thị trường và rào cản nhân lực kỹ thuật.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai dự án chuyển dịch năng lượng tại Nghệ An; giải pháp thay thế Dự án Nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 và 2; đề xuất một số giải pháp tài chính cho chuyển dịch năng lượng tái tạo tại Nghệ An; các rủi ro pháp lý và giải pháp khắc phục khi chuyển dịch năng lượng tái tạo tại địa phương; tính hiệu quả, đóng góp của dự án năng lượng tái tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; những tác động tới đời sống, việc làm người dân vùng dự án ở điểm hiện tại và trong tương lai; quy trình xử lý thiết bị điện, pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường…
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ông Lê Ngọc Hoa đã giao Sở Công Thương chủ trì làm đầu mối tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh, kết nối lựa chọn các đơn vị tư vấn và đầu tư tốt nhất để khi quy hoạch năng lượng tái tạo được thông qua và xây dựng thì đấu nối vào hệ thống quy hoạch năng lượng quốc gia thuận lợi nhất. Cùng với đó giúp đỡ các nhà tư vấn đầu tư triển khai quy hoạch sớm nhất, cố gắng hoàn thành danh mục dự án trong lĩnh vực này để tỉnh lựa chọn, kêu gọi nhà đầu tư.
Theo Trung tâm tiết kiệm năng lượng tỉnh Nghệ An: Tỉnh Nghệ An có tiềm năng dồi dào và khá đa dạng về năng lượng tái tạo nhưng cho đến nay việc đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có.
Nguyên nhân chủ yếu là tính kinh tế của nguồn năng lượng tái tạo chưa thực sự hấp dẫn, cùng với đó là các rào cản liên quan tới các chính sách và tổ chức hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch và hoạch định chính sách; công nghệ và dịch vụ phụ trợ cho năng lượng tái tạo chưa phát triển; khó tiếp cận nguồn vốn... đã hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo.
|
Link gốc