KTS Võ Trọng Nghĩa muốn Sài Gòn thành Singapore thứ 2 của Châu Á

Tầm nhìn của vị kiến trúc sư hàng đầu Việt Nam Võ Trọng Nghĩa là biến TP.HCM trở thành "thành phố vườn" thứ 2 của châu Á sau Singapore.

KTS Võ Trọng Nghĩa 

Cùng với Singapore – TP.HCM có thể sẽ trở thành “thành phố vườn” tiếp theo của châu Á. Đó là tầm nhìn mà vị kiến trúc sư hàng đầu Việt Nam - Võ Trọng Nghĩa đang hướng đến, CNN (Mỹ) đã có bài phỏng vấn về vấn đề này với kiến trúc sư Nghĩa.

PV: Là người nhỏ tuổi nhất trong gia đình có tới 7 anh, chị em, cuộc sống thủa nhỏ của anh thế nào?

KTS Võ Trọng Nghĩa: Tôi lớn lên tại ngôi làng nhỏ và rất nghèo mang tên Văn Xá ở Quảng Bình. Khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề của bom đạn trong suốt thời kỳ chiến tranh. Gia đình tôi như bao người bà con khác, sống bằng nghề nông.

Thành thật mà nói, tôi ban đầu khao khát trở thành kiến trúc sư là bởi tham vọng muốn trở nên giàu có. Tuy nhiên, đó là một quan niệm sai lầm. Khi bắt đầu học ngành này, tôi đã cảm thấy yêu thích nghiệp kiến trúc sư vô cùng. Có thể chưa trở nên giàu có nhưng tôi yêu công việc này hơn tiền bạc.

PV: Trải ngiệm đó đã định hình nên triết lý về kiến trúc của anh như thế nào?

KTS Võ Trọng Nghĩa: Ngôi làng của tôi nằm trong một khu rừng. Còn nhớ lúc học cấp 2, tôi đã vào rừng, chặt cây để bán gỗ. Đến năm 20 tuổi, tôi nhận ra người dân trong làng đã phá huỷ gần như hết cả khu rừng.

Điều này khiến tôi nghĩ về việc làm thế nào để bảo vệ rừng, hạn chế sử dụng vật liệu gỗ. Giải pháp thay thế mà tôi chọn lựa là dùng tre bởi vật liệu này bền vững hơn.

Những loại gỗ cứng như trong ngôi làng của tôi phải mất rất nhiều thời gian mới lớn trở lại được. Tuy nhiên tre lại rất nhanh lớn, chắc và đẹp. Sử dụng vật liệu tre giúp giảm áp lực cho các khu rừng. Chúng tôi có thể sử dụng vật liệu này để thiết kế cho nhà hàng, khách sạn, nhà ở và mọi thứ khác

PV: Anh hy vọng đạt được điều gì với những thiết kế của mình?

KTS Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc có đóng góp quan trọng cho tự nhiên và xã hội. Chúng tôi cố gắng mang thiên nhiên vào cho các thành phố đông đúc, bảo vệ môi trường và tạo nên sự kết nối giữa con người và thiên nhiên.

Kiến trúc không chỉ đóng vai trò mang lại vẻ đẹp. Thành phố giống như một khu rừng đô thị và chúng ta cần phải kết nối với trái đất và cây cối.

Dự án House of Trees của KTS Võ Trọng Nghĩa, ngôi nhà hiện lên như một ốc đảo tại một trong những khu vực đông đúc nhất ở TP.HCM - Ảnh: Nguồn Internet.

PV: Kiến trúc xanh có quan trọng tại Việt Nam không?

KTS Võ Trọng Nghĩa: Việt Nam đang phát triển ngày một nhanh và điều này đương nhiên khiến diện tích rừng bị giảm và phá huỷ tự nhiên. Những thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội không có nhiều cây cối, mọi thứ đang bị bê tông hoá. Hiện tại, người dân chủ yếu sử dụng internet và sống trong những căn phòng lắp điều hoà. Họ thiếu không gian để đi bộ, chơi thể thao và sân chơi.

Mọi người thường tới các quán bar để uống bia, giảm căng thẳng. Tuy nhiên điều này lại dẫn tới stress nhiều hơn và gây ra những tệ nạn xã hội. Chúng tôi muốn khuyến khích mọi người ra ngoài, thư giãn và tận hưởng thiên nhiên.

Phong cách sống như kể trên đang gây ra sự mất kết nối giữa con người và tự nhiên. Mọi người ngày một stress hơn và đó là thử thách lớn mà tất cả những thành phố - không chỉ tại Việt Nam mà cả Jakarta, Bangkok, Hong Kong đều gặp phải.

Đó là lý do vì sao chúng tôi đang nỗ lực tái kết nối con người với tự nhiên. Đó là cách để giúp tâm hồn chúng ta trở nên thanh thản hơn.

PV: Thử thách lớn nhất với anh hiện tại là gì?

KTS Võ Trọng Nghĩa: Trong suốt 5,6 năm đầu, rất khó để xây dựng những công trình xanh như vậy bởi chúng tôi phải thuyết phục mọi người và chính phủ về ý tưởng của mình. Khởi đầu là những ngôi nhà nhỏ, sau đó chúng tôi tiếp tục với những dự án cộng đồng lớn hơn như khuôn viên trường đại học, bảo tàng…

Chúng tôi cũng làm việc với chính phủ, đề nghị được nới lỏng các quy định để dễ dàng hơn trong việc xây dựng những ngôi nhà xanh cũng như linh hoạt hơn trong các thiết kế. Hệ thống hiện đang được cải thiện, chúng tôi có thể xây dựng hàng ngày, hàng tháng.

Tuy nhiên, mỗi khi xây dựng một công trình mới đồng nghĩa với việc sẽ phá huỷ tự nhiên - đây chính là thử thách lớn nhất. Làm sao để cân bằng giữa phát triển, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên là điều tôi luôn bận tâm.

PV: Với anh tác phẩm nào là đặc biệt nhất?

KTS Võ Trọng Nghĩa: House of Tree, Farm Kindergarten hay khuôn viên đại học FPT TP Hồ Chí Minh là những công trình điển hình cho thấy cách chúng tôi đang cố gắng mang không gian xanh cho thành phố.

Ví như tại Farming Kindergarten - kể cả ở Hà Nội và TP.HCM đều không có những sân chơi cho trẻ em đúng nghĩa. Đường phố thì rất đông đúc với một lượng lớn xe ô tô và xe máy di chuyển - trẻ con không thể ra ngoài chơi vì rất nguy hiểm.

Chính vì vậy, ý tưởng Farm Kindergarten được thực hiện để cung cấp sân chơi cho trẻ em và biến tầng mái trở thành một trang trại để chúng có thể tiếp cận gần hơn với thiên nhiên, tận hưởng kiến trúc xanh và học cách trồng cấy.

PV: Thông thường các dự án của anh được thực hiện như thế nào?

KTS Võ Trọng Nghĩa: Chúng tôi cố gắng giảm khí thải và đưa thiên nhiên vào các công trình nhiều nhất có thể thông qua việc trồng cây. Nếu là một khách sạn, chúng tôi sẽ tạo ra một hệ thống giảm rác thải, tái chế nước và cắt giảm lượng điều hoà nhiệt độ.

Khi thăm quan một trong những khách sạn do chúng tôi xây dựng, bạn có cảm giác như bước vào một khu rừng vậy.

Việc này giúp tiết kiệm điện rất nhiều. Việt Nam rất nóng nhưng nếu toà nhà được bao phủ bởi cây cối, có thể giảm sức nóng từ bên ngoài và không cần tới nhiều điều hoà.

PV: Anh thành lập nên công ty của mình là Vo Trong Nghia Architects vào năm 2006. Công ty này có gì khác biệt không?

KTS Võ Trọng Nghĩa: Tôi nghĩ là có bởi nhân viên toàn công ty luyện tập thiền mỗi ngày. Việc này diễn ra kể từ 4 năm trước sau khi tôi tham gia một khoá học kéo dài 10 ngày, mỗi ngày 12 giờ, không email, không điện thoại và bất cứ thứ gì cả.

Việc thiền tại công ty diễn ra trong 2 giờ mỗi ngày, ca đầu tiên là từ 7h30 đến 8h30 sáng. Ca thứ 2 là từ 5 - 6 giờ chiều.

Thiền giúp tâm trí tôi và cả nhân viên bình tĩnh và tập trung hơn.

PV: Vì sao thiền tốt cho công việc của anh?

KTS Võ Trọng Nghĩa: Rất đơn giản. Thông thường con người có thể tập trung trong khoảng 3 - 5 giây và sau đó một điều gì đó sẽ làm gián đoạn sự tập trung đó.

Tuy nhiên nếu luyện tập thiền, bạn có thể tập trung lâu hơn và nó khiến tâm hồn và công việc của bạn hiệu quả và rõ ràng hơn.

Chúng tôi tập trung vào việc khiến tâm hồn và trái tim thanh thản để sau đó thực hiện vấn đề đang cố gắng giải quyết là: Làm sao để kết nối con người với thiên nhiên?

Tháng 9/2016, KTS Võ Trọng Nghĩa đã giành giải thưởng The Prince Clause Arwards 2016 cho hạng mục kiến trúc sư có tư tưởng tiến bộ tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho xã hội.

The Prince Claus Arwards là giải thưởng do Quỹ Hoàng tử Claus tổ chức định kỳ hàng năm với sự tham gia của các thành viên Hoàng gia Hà Lan nhằm tôn vinh những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa và phát triển.


  • 17/10/2016 09:49
  • Theo:cafebiz.vn
  • 4918