Học sinh lớp 10 khởi nghiệp với máy sấy đa năng dùng năng lượng mặt trời

Chiếc máy sấy đa năng sử dụng năng lượng mặt trời với tiêu chí sạch, xanh, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Đây là sản phẩm do 5 em học sinh đến từ Trường THCS và THPT Ba Hòn (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) thực hiện.

Ý tưởng từ những khó khăn

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, nhiều sản phẩm của bà con nông dân, ngư dân không thể xuất khẩu, ùn ứ kèm theo mưa bão kéo dài đã làm hư hao, thiệt hại sản phẩm. Tình trạng này đặc biệt gây khó khăn cho bà con ở huyện Kiên Lương - là nơi phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản, chế biến các sản phẩm khô. Những ngày mưa gió kéo dài ảnh hưởng đến việc làm khô hải sản của bà con. Những hộ dân nơi đây đa số thực hiện bằng phương thức phơi truyền thống phụ thuộc vào thời tiết, lại chưa thực sự đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước thực trạng như vậy, lại nhìn thấy điện năng lượng mặt trời phổ biến, nhóm 5 em học sinh đã đưa ra ý tưởng làm máy sấy đa năng sử dụng điện năng lượng mặt trời.

Chiếc máy sấy đa năng dùng năng lượng mặt trời của nhóm học sinh Trường THCS và THPT Ba Hòn - Ảnh: laodong.vn.

Chiếc máy sấy do các học sinh nêu ý tưởng và thiết kế thô. Máy gồm pin năng lượng mặt trời, nút báo nguồn, nút chỉnh tốc độ gió, bảng thời gian, bảng nhiệt độ, hệ thống băng chuyền, hệ thống cảm ứng. Đối với các hộ gia đình hệ thống băng chuyền sẽ thay thế bằng các cánh cửa.

Chia sẻ về chiếc máy này, em Hồ Ngọc Đan Tiên, nhóm trưởng cho biết: “Khi chúng em học theo phương pháp STEM, được tiếp xúc thực tế nhiều và nhìn thấy bà con thiệt hại không bán được đồ hải sản tươi mà làm khô cũng không được, nhóm em đã quyết tâm làm chiếc máy này, mong sao sẽ giúp ích cho địa phương mình và những nơi khác”.

Từ ý tưởng ban đầu, các em dần làm thành mô hình áp dụng thực tế, thực nghiệm tại các xưởng cá cơm ở địa phương. Về phía nhà trường, thầy Nguyễn Công Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Ba Hòn cho biết: “Nhà trường rất ủng hộ phương pháp học đổi mới như STEM. Phương pháp giáo dục này tích hợp 4 bộ môn, bao gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Trường đã tạo mọi điều kiện về vật chất và thời gian, thiết bị cho các em. Đồng thời chúng tôi cũng liên hệ với cựu học sinh của trường hỗ trợ phần lắp ráp máy, mạch điện từ ý tưởng, thiết kế của các em”.

Mô hình cũng là dự án khởi nghiệp

Chiếc máy sấy đa năng qua thực nghiệm đã đạt kết quả như mong đợi, các sản phẩm được sấy khô nhanh gọn, tiết kiệm điện, thời gian công sức và an toàn vệ sinh.

Cô Phạm Thị Bình, giáo viên hướng dẫn nhóm cho biết: “Các em học sinh rất thích thú với cách học mới, tăng khả năng tương tác và thực hành thực tế nên giúp các em năng động hơn. Riêng mô hình máy sấy đa năng này ngoài sấy hải sản thì các bạn còn dùng làm khô thực phẩm trái cây detox, trái cây khô, hoa khô, dược liệu”.

Em Huỳnh Gia Vỹ, thành viên nhóm chia sẻ: “Tài nguyên của chúng ta càng lúc càng bị khai thác cạn kiệt. Việc tận dụng năng lượng mặt trời cho máy sấy này vừa giảm điện năng tiêu thụ lại giúp mọi người có ý thức tiết kiệm điện, biết tận dụng tự nhiên và bảo vệ tự nhiên”.

Nhờ cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học và lồng ghép các kiến thức lý thuyết trong bối cảnh thực tiễn nên học sinh đã có cái nhìn vừa đa chiều vừa có tính ứng dụng cao.

Dự định xa hơn của các em sẽ trở thành đơn vị cung cấp các loại máy sấy thiết kế đa năng cho các đơn vị ở địa phương và cả nước.

Link gốc


  • 26/10/2020 10:46
  • Nguồn: laodong.vn
  • 948