GreenYellow chung tay thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu này đang được từng doanh nghiệp đưa vào chương trình hành động, trong đó có GreenYellow. Ông Sebastien Prioux, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam và Campuchia của Công ty TNHH GreenYellow, chia sẻ về tiềm năng cũng như kế hoạch của GreenYellow đóng góp vào việc thực hiện thành công mục tiêu này trong thời gian tới.

PV: Xin ông cho biết đánh giá của mình về tiềm năng và mục tiêu phát triển của năng lượng tái tạo Việt Nam nói chung và điện mặt trời nói riêng?

Ông Sebastien Prioux: Cam kết trên quả thực là rất tham vọng, nhưng chúng tôi rất cám ơn các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc thúc đẩy các bên liên quan để đạt được mục tiêu tiến tới zero carbon. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tư nhân và hệ thống chính quyền sẽ phải vượt qua một loạt các thách thức về kỹ thuật, quy định và tài chính trong suốt quá trình đi tới mục tiêu này.

Trên thực tế, việc dừng ngay tất cả các nhà máy điện than hiện nay là không thể, do đó, chúng ta cần phải xây dựng một lộ trình thiết thực để thực hiện quá trình này. Đồng thời, việc tăng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo cần được thực hiện song song với việc giảm dần số lượng các nhà máy điện than. Điện gió hiện có tiềm năng lớn nhất, tiếp theo là năng lượng mặt trời và thủy điện. Năng lượng mặt trời đóng vai trò quan trọng sản xuất nguồn năng lượng hỗn hợp, nhưng cần phải có các quy định rõ ràng hơn vì lợi ích ổn định của lưới điện quốc gia. Tính gián đoạn và kiểm soát việc hòa vào lưới điện quốc gia chính là ưu tiên số một hiện nay.

Tôi cho rằng cần phải có quy định ưu tiên tiêu thụ điện tại chỗ cho tất cả các nhà máy tư nhân ở Việt Nam để họ có thể cung cấp một phần năng lượng từ năng lượng tái tạo. Hầu hết các nhà máy ở Việt Nam đều sản xuất hàng xuất khẩu và các khách hàng quốc tế đều yêu cầu cam kết cung cấp năng lượng xanh trực tiếp tại chỗ, năng lượng mặt trời là nguồn chính để thực hiện yêu cầu này. Đây cũng chính là yếu tố khiến năng lượng mặt trời có thể đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai và cung cấp giá điện rất cạnh tranh cho khách hàng tư nhân mà không ảnh hưởng trực tiếp đến lưới điện hoặc cạnh tranh với việc sử dụng đất.

PV: Ông có thể giới thiệu đôi nét về các hoạt động của GreenYellow tại thị trường Việt Nam? Chiến lược và mục tiêu phát triển năng lượng tái chế và chiến lược tiết kiệm điện trong thời gian tới mà GreenYellow đặt ra trong thời gian tới như thế nào?

Ông Sebastien Prioux: GreenYellow mở văn phòng tại Việt Nam vào cuối năm 2019. Sau hai năm hoạt động, hiện chúng tôi đang sở hữu và phát triển hơn 65MWp các dự án năng lượng mặt trời mái nhà trong nước. Chúng tôi cũng bắt đầu chuẩn bị thực hiện nhiều đợt kiểm toán năng lượng cho hoạt động kinh doanh cốt lõi về hiệu quả năng lượng, đây là giai đoạn tiếp theo của chúng tôi. 

Chúng tôi sẽ cung cấp cho thị trường các giải pháp nền tảng dịch vụ một cửa vào năm 2022. Bao gồm gia tăng nguồn khách hàng, tăng hiệu quả năng lượng, đạt chứng nhận tín chỉ carbon, lưu trữ năng lượng cho khách hàng tư nhân và lưới điện tiện ích. Tất cả những yếu tố này được kết hợp lại để đạt được mục tiêu chính là tối ưu hóa hóa đơn tiền điện của khách hàng và giúp họ giảm lượng khí thải carbon.

PV: Lợi thế cạnh tranh của GreenYellow là gì và điều gì khiến ông tin rằng GreenYellow có thể đạt được các mục tiêu trên?

Ông Sebastien Prioux: Chuyên môn kỹ thuật và sở hữu nguồn vốn độc lập là những lợi thế chính của chúng tôi. Chúng tôi đã xây dựng một đội ngũ chuyên gia ''nội bộ'' có thể kiểm soát tất cả các quy trình từ phát triển đến bảo trì dự án, bao gồm quy trình xin cấp phép, thiết kế kỹ thuật, mua sắm, giám sát xây dựng, giám sát hiệu suất theo thời gian...

Lợi thế thứ hai là chúng tôi có khả năng tự chủ toàn bộ nguồn vốn cho tất cả các dự án của mình, nhờ vào các cổ đông rất mạnh có tầm nhìn dài hạn mà không cần vay ngân hàng hay kêu gọi tài trợ từ bên ngoài. Điều này giúp chúng tôi thúc đẩy tốc độ thực hiện dự án và thực hiện hợp đồng theo đúng tiến độ đề ra.

PV: Vị thế của thị trường Việt Nam đối với chiến lược đầu tư của GreenYellow như thế nào?

Ông Sebastien Prioux: GreenYellow đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng rất lớn trong những năm tới do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, các khu công nghiệp và nhà máy, nhà xưởng đang được xây dựng ngày càng nhiều. Thêm vào đó là một loạt các quy định mới sắp được thực hiện tại Quy hoạch Điện VIII. Tốc độ tăng trưởng của GreenYellow đã được công nhận trong nội bộ tập đoàn là nhanh nhất. Chúng tôi cũng đã chọn được thời điểm rất tốt để tham gia thị trường Việt Nam.

Thành công thường dễ dàng hơn khi bạn là một trong những người tham gia đầu tiên vào thị trường. Bây giờ là lúc GreenYellow đa dạng hóa trên các phân khúc thị trường khác để giữ vị trí tiên phong. Do đó, “tiếp tục đổi mới” và “là người đầu tiên trên các phân khúc thị trường mới” là những từ khóa cho năm 2022.

Chúng tôi sẽ thực hiện các thỏa thuận hiệu quả năng lượng đầu tiên với các nhà máy chính để giảm hóa đơn tiền điện của họ xuống mức đã được cam kết, chúng tôi cũng sẵn sàng triển khai một số hệ thống lưu trữ năng lượng thí điểm (BESS) trên hai địa điểm dưới sự hợp tác với EVN và các cơ quan chức năng của chính phủ.

Link gốc


  • 08/02/2022 04:52
  • Nguồn: https://baodautu.vn/
  • 1403