Gỡ vướng cho doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời

Nhu cầu lắp đặt điện mặt trời (ĐMT) đang tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang nhắm đến hạ tầng mái nhà xưởng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều rào cản.

Mới đây, gói tín dụng ưu đãi cho các DN công nghiệp lắp đặt ĐMT đã được một số ngân hàng triển khai. Cùng với đó, Bộ Công Thương và ngành Điện cũng có hướng dẫn về mua bán điện. Đây được coi là những giải pháp nhằm gỡ vướng cho các DN khi muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Còn nhiều vướng mắc

Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT, các DN, hộ gia đình, chủ đầu tư lắp đặt công trình ĐMT công suất không quá 1MW (hoặc không quá 1,2MWp), đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống hết ngày 31/12/2020 sẽ được hưởng mức giá cố định khoảng 1.940 đồng/kWh (tương đương 8,38 UScents/kWh) trong suốt 20 năm. Đây được xem là “cú hích” tạo đà cho ĐMT mái nhà phát triển.

Trên thực tế, sau khi Quyết định 13 được ban hành, nhiều công trình, dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai và phát lên lưới thành công trên khắp cả nước. Tại Đồng Nai, tính đến cuối tháng 9/2020, có hơn 3,2 ngàn khách hàng lắp đặt ĐMT mái nhà với tổng công suất lắp đặt hơn 80MWp, tổng sản lượng phát lên lưới là 25 triệu kWh.

Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng và lợi thế của Đồng Nai, con số này còn quá ít. Nguyên nhân được cho là thủ tục rườm rà, chủ đầu tư chưa tiếp cận được nguồn vốn vay.

Một công trình điện mặt trời mái nhà ở TP.Biên Hòa - Ảnh: baodongnai.com.vn.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành) cho biết, công ty rất ý thức thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng. Đầu năm 2020, công ty ký hợp đồng lắp đặt công trình ĐMT công suất 2,3M. Phía đối tác lắp đặt chịu trách nhiệm làm các thủ tục pháp lý cho dự án. Công ty đã thanh toán 30% giá trị hợp đồng, nay muốn vay ngân hàng khoản tiền khoảng 2,7 tỷ đồng để thanh toán 70% còn lại nhưng không được chấp thuận với lý do ngân hàng chưa cho vay dự án ĐMT mái nhà. Nếu không vay được vốn, dự án có nguy cơ chậm tiến độ, không được hưởng mức giá ưu đãi của Chính phủ.

Đại diện một DN có dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn H.Xuân Lộc cho rằng, đối với công trình ĐMT trên mái nhà dân, mái nhà xưởng trong các khu công nghiệp thì dễ dàng xác định được đó là mái của công trình xây dựng. Nhưng với các dự án ĐMT trên mái trang trại nông nghiệp thì chưa có cơ sở rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, phần lớn các dự án nông nghiệp công nghệ cao đều cách đường điện hiện hữu, chưa có quy định cụ thể là ngành Điện hay chủ dự án ĐMT mái nhà phải chịu chi phí đường dây đấu nối phát lưới.

Hỗ trợ vốn cho DN

Để hỗ trợ cho các DN lắp đặt ĐMT phát lên lưới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể để phân biệt giữa hệ thống ĐMT mái nhà và hệ thống ĐMT nối lưới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định giá mua bán ĐMT theo Quyết định 13. Cùng với đó, Bộ ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án; thủ tục pháp lý để lắp đặt và thỏa thuận đấu nối; chính sách hỗ trợ vốn vay cho các chủ đầu tư. Ngành Điện lực cũng kiến nghị chỉ thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện đối với các hệ thống ĐMT mái nhà mà không gây quá tải trạm biến áp 110 kV khu vực.

Ngày 13/10, tại TP.HCM, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam triển khai chương trình tín dụng cho các DN công nghiệp vay lại để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, trọng tâm là lắp đặt ĐMT mái nhà. Theo đó, Ngân hàng Thế giới cung cấp khoản vay 100 triệu USD cho các DN công nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, Quỹ Khí hậu xanh cũng cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại 75 triệu USD để bảo lãnh cho khoản vay thương mại của các ngân hàng tham gia cho DN sản xuất công nghiệp vay để đầu tư tiết kiệm năng lượng. Các nguồn vốn này sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho DN công nghiệp triển khai dự án ĐMT mái nhà.

Ông Chu Bá Thi, chuyên gia cao cấp về năng lượng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Thế giới luôn đồng hành với Việt Nam trong việc phát triển bền vững ngành Năng lượng. Việc triển khai chương trình tín dụng cho các DN công nghiệp thực hiện dự án Tiết kiệm năng lượng là một ví dụ. Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng thông qua hàng loạt chương trình, dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho rằng, thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Thế nhưng, số dự án được phê duyệt và phát điện còn hạn chế, có nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng. Để giải quyết vấn đề cấp bách, đáp ứng nhu cầu năng lượng và bảo vệ môi trường thì giải pháp là phát triển năng lượng tái tạo. Xây dựng khung pháp lý hỗ trợ và bảo vệ DN phát triển năng lượng sạch.

Để tháo gỡ vướng mắc cho các DN, nhà đầu tư ĐMT, vừa qua, Sở Công Thương có văn bản hướng dẫn thực hiện phát ĐMT mái nhà.

Đối với hệ thống ĐMT trên mái của công trình công nghiệp phải có giấy phép xây dựng và không thuộc nhóm ngành có nguy cơ cháy nổ cao.

Đối với hệ thống ĐMT trên mái của công trình nông nghiệp phải có xác nhận xây dựng trang trại của UBND cấp huyện, chủ đầu tư hệ thống ĐMT mái nhà có bản cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình đó.

Link gốc


  • 23/10/2020 02:26
  • Nguồn: baodongnai.com.vn
  • 630