Giờ trái đất năm 2021 có chủ đề là “Speak up for Nature - Lên tiếng vì thiên nhiên”
|
Thông điệp kêu gọi tất cả mọi người suy ngẫm về mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, để từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề môi trường lớn hiện nay, đặc biệt là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới đảm bảo mục tiêu mà Thoả thuận Paris đã đặt ra, hạn chế tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm đạt mục tiêu không còn rác thải nhựa trong môi trường tự nhiên.
Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên
Ô nhiễm nhựa đã trở thành cuộc khủng hoảng mang tầm cỡ quốc gia và toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người. Hàng năm trên thế giới có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra các đại dương. Cứ mỗi phút có trung bình 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ, cứ mỗi năm có đến 500 tỷ túi nilon được sử dụng.
Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nhựa sử dụng một lần rất phổ biến, chiếm đến 59% lượng bao bì nhựa tiêu thụ toàn cầu. Nếu không khẩn trương hành động, vào năm 2030, chúng ta sẽ thấy rằng ô nhiễm nhựa trên các đại dương tăng lên gấp đôi, hơn 300 triệu tấn (theo báo cáo của UNEP năm 2018).
Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều trên thế giới. Tại Việt Nam, lượng nhựa tiêu thụ cũng tăng nhanh trong những năm gần đây. Chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam tăng từ 3,8kg/năm/người (năm 1990) lên 49kg / năm/người (năm 2015).
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng rác thải nhựa ở Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong lượng chất thải rắn sinh hoạt nói chung, ước tính lên tới 2,5 triệu tấn/năm. Đáng lo ngại hơn là khoảng 12-38% rác thải nhựa không được thu gom và xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường xung quanh.
Ô nhiễm nhựa đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong chúng ta - giết chết sinh vật biển, làm ô nhiễm nguồn thực phẩm chúng ta ăn, không khí chúng ta thở và nước chúng ta uống, làm tắc nghẽn các con sông và đại dương của chúng ta.
Sự hối hả của cuộc sống khiến phần lớn chúng ta đang chọn thói quen sống nhanh, tiện lợi dù bản thân cũng hiểu những tác động của thói quen này lên môi trường. Nhưng trong cuộc sống bận rộn này, chúng ta vẫn có thể giảm bớt gánh nặng cho môi trường thiên nhiên bằng 4 cách để sống xanh mỗi ngày:
• TỪ CHỐI: Học cách từ chối nói không với nhựa dùng 1-lần không cần thiết như ống hút nhựa, thìa nhựa... bằng cách mang đồ cá nhân bên mình mỗi khi ra ngoài. Vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa an toàn sức khỏe lại vừa bảo vệ môi trường.
• TÁI SỬ DỤNG: Đừng vội vứt bỏ những đồ nhựa còn sử dụng được, như chai hộp nhựa đã qua sử dụng. Chúng ta có thể rửa thật sạch, để khô, chúng sẽ rất hữu ích cho mỗi lần đi chợ hay mua sắm sau đó. Ngoài ra những đồ nhựa này có thể dễ dàng được tái chế để trở thành những đồ vật trang trí hoặc chậu cây nhỏ trong nhà.
• TIẾT GIẢM: Giảm mua sắm và sử dụng các sản phẩm, đồ dùng không cần thiết để hạn chế lượng rác và bao bì thải ra môi trường sau khi sử dụng. Hãy cân nhắc kĩ trước khi mua một món đồ mới.
• TÁI CHẾ: Rác thải nhựa nếu được thu gom, phân loại và tái chế hợp lý thì sẽ trở thành một nguồn tài nguyên có giá trị, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp cho môi trường được bảo vệ, không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên.
Giảm phát thải khí nhà kính
Một số sáng kiến về giảm thiểu các tác động đến thay đổi khí hậu mà các cá nhân có thể thực hiện để hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất, như: đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và thân thiện với môi trường, tắt các thiết bị điện, rút phích cắm khi không sử dụng, sử dụng năng lượng tái tạo .... Luôn nhớ rằng, những hành động nhỏ có thể mang lại những thay đổi lớn.
Bằng những cách khác nhau, phù hợp với mỗi người, chúng ta đều có thể “lên tiếng” hồi đáp lại thiên nhiên theo cách riêng của mình. Mọi tiếng nói dù nhỏ bé, nhưng khi được cất lên cùng nhau, thì những thì thầm nhỏ bé của mỗi cá nhân sẽ trở thành mạnh mẽ. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tạo nên một tiếng đồng thanh vang vọng: Vì thiên nhiên.