Con số biết nói…
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện của xã hội ngày càng tăng là thách thức rất lớn cho ngành Điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn điện và phụ tải không đồng đều gây áp lực truyền tải lớn trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc-Nam.
Chưa kể biến đổi khí hậu đã dẫn đến khô hạn, hồ thuỷ điện thiếu nước để sản xuất, hay một số dự án điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra.
Một công trình điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam - Ảnh: petrotimes.vn. |
Trong bối cảnh đó, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo vô tận ở nước ta. Trên thực tế, Bộ Chính trị, Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành đã có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng sạch.
Với năng lượng mặt trời, chính sách đầu tiên, khuyến khích phát triển nguồn năng lượng này được ban hành qua Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và hết hạn sau ngày 30/6/2019. Theo số liệu thống kê, năm 2018, nước ta mới chỉ có 134MW công suất điện mặt trời. Trong năm 2019 và 2020, với những chính sách từ Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, năng lượng mặt trời đã có những bước phát triển vượt bậc.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 12/2020, cả nước có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện, với công suất lắp đặt lên tới gần 9.296MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,13 tỉ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng trên thế giới về phát triển NLTT nói chung và điện mặt trời, điện gió nói riêng, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tại Diễn đàn khoa học “Chính sách phát triển năng lượng tái tạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường ở nước ta” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2020, Tổng thư ký Hội sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam Đặng Đình Thống nhận xét, điểm sáng nhất về phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta là điện mặt trời. Dẫn con số từ báo cáo của Bộ Công Thương trước Quốc hội, ông Thống cho biết, công suất điện mặt trời đang vận hành vượt chỉ tiêu của quy hoạch gần 6 lần đối với năm 2020 và vượt 1,25 lần chỉ tiêu năm 2025.
Ông Hoàng Quốc Vượng khi còn là Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg; Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời; Quyết định số 37/39 về cơ chế phát triển điện gió.
Qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo. Không chỉ vậy, các cơ chế cũng đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm…, góp phần hình thành thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nói cách khác, điện mặt trời áp mái thời gian qua nhờ có chính sách mới nên thu hút được quan tâm của nhiều hộ dân, đặc biệt ở miền Trung, miền Nam và các đô thị lớn.
Sự tham gia của khu vực tư nhân như lời nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương nói chính là Tập đoàn Xuân Thiện với nhà máy Ea Súp công suất 831MWp và Tập đoàn Trung Nam với dự án Thuận Nam, công suất 450MWp.
Tiềm năng còn nhiều
Trao đổi với PV Năng lượng Mới, chuyên gia năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi cho rằng, dù bị chững lại gần 10 tháng chờ đợi chính sách nhưng điện mặt trời đã có một năm “bùng nổ”. Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam” được ban hành và áp dụng từ 22/5/2020 thật sự là thỏi nam châm thu hút nguồn vốn chảy mạnh vào nguồn năng lượng này.
Điện mặt trời mái nhà cũng đã có sự phát triển "bùng nổ" trong năm qua - Ảnh: Thành Trung. |
Không chỉ thể hiện qua thực tế lắp đặt, sự quan tâm dành cho điện mặt trời còn thể hiện qua số dự án xin bổ sung quy hoạch và đăng ký đầu tư. Trong năm 2020, quy mô công suất điện mặt trời đã được duyệt bổ sung vào quy hoạch là trên 11.000MW. Bên cạnh đó, còn có 25.000MW công suất được đăng ký đầu tư nhưng chưa được bổ sung vào quy hoạch.
Ngày 31/12/2020 là thời hạn cuối cùng để các dự án điện mặt trời chỉ được áp dụng giá cố định theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Những ai “chậm chân” sẽ phải xác định giá thông qua “cơ chế cạnh tranh”.
Vị chuyên gia năng lượng cũng nhận định do cơ chế giá FIT2 đã kết thúc cuối năm 2020, diễn biến đầu tư điện mặt trời năm 2021 chỉ có thể dự báo dựa trên chính sách mới thay thế FIT2 cụ thể như thế nào. Tuy nhiên, đến hiện tại, chưa có cơ chế mới nên các doanh nghiệp sẽ chờ chính sách mới.
Nhận định về ngành năng lượng mặt trời năm 2021, ông Nguyễn Sinh Dũng, Giám đốc trung tâm giải pháp tích hợp - Viettel Construction cho rằng, xu hướng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Lý do là khi dịch bệnh COVID được kiểm soát, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh sẽ tăng cao, do đó huy động nguồn điện từ hệ thống năng lượng tái tạo sẽ rất khả thi (triển khai nhanh, công suất huy động lớn, tận dụng được hệ thống truyền tải có sẵn). “Lộ trình phát triển điện năng lượng mặt trời của Việt Nam đang đi đúng hướng, thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân, tạo ra môi trường phát triển cho loại hình năng lượng sạch này. Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu khu vực và thế giới về sử dụng năng lượng sạch” - Giám đốc trung tâm giải pháp tích hợp - Viettel Construction nói thêm.
Link gốc