Doanh nghiệp Đắk Lắk tiết kiệm năng lượng để phát triển bền vững

Việc tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Những năm gần đây, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm sử dụng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trên địa bàn.

Cụ thể, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức phong trào thi đua tiết kiệm điện trong sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, công nghệ để TKNL, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh; tổ chức tập huấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm góp phần thay đổi tư duy, thói quen trong điều hành sản xuất ở doanh nghiệp...

Doanh nghiệp thuộc nhóm khách hàng được quan tâm hàng đầu trong tuyên truyền tiết kiệm năng lượng 

Kết quả của việc thực hiện đồng bộ các biện pháp trên là ý thức tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả trong doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi phương pháp vận hành máy móc, lắp đặt thêm một số thiết bị biến tần để tiết kiệm điện; tổ chức sản xuất vào giờ thấp điểm, hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm; mua sắm, thay thế, sử dụng các phương tiện, thiết bị TKNL. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận, triển khai các công cụ cải tiến năng suất, TKNL và xem đó như nhiệm vụ then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, trách nhiệm đối với môi trường.

Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo, thời gian tới tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; vận động doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đầu tư lắp hệ thống năng lượng mặt trời...

Doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng

Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk là 1 trong 4 đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn miền Trung đã nghiên cứu, phân tích về mặt kỹ thuật và triển khai giải pháp tiết kiệm hiệu quả nhiệt lượng trong sản xuất bia. Đồng thời, chuyển sang sử dụng các thiết bị thế hệ mới có mức tiêu thụ điện năng thấp, biến tần và tự động hóa cao.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng Giám đốc công ty cho hay: "Hiện nay, mức tiêu thụ năng lượng Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk giảm đáng kể nhờ chuyển sang sử dụng các thiết bị thế hệ mới có mức tiêu thụ điện năng thấp, khả năng biến tần và tự động hóa cao. Cụ thể, nhà máy đã thay thế các bóng đèn cao áp 400W bằng bóng Compact 110W để giảm thiểu điện năng tiêu thụ giúp đơn vị tiết kiệm khoảng 120 triệu đồng/năm. Đặc biệt, DN đã đầu tư 16 tỷ đồng để lắp đặt máy lạnh theo công nghệ lạnh phân tầng của Mycom Nhật Bản ở khâu làm lạnh dịch đường trong công đoạn lên men. Nhờ đó hiệu suất của máy lạnh tăng lên 8,06, năng lượng giảm 60% giúp nhà máy tiết kiệm khoảng  2,2 tỷ đồng tiền điện mỗi năm".

Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk đã áp dụng nhiều biện pháp trong công đoạn nấu bia để biến chất thải thành sản phẩm có lợi, góp phần bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp sạch hơn giúp giảm chi phí sản xuất, góp phần cải thiện việc thải nhiệt và chất thải khác ra môi trường. Điển hình như sáng kiến sử dụng năng lượng tái tạo như biến chất thải thành phân bón hữu cơ và điện; sản xuất nấm men thải thành bánh men chất lượng để xuất khẩu; thu nhiệt thải ra từ các nồi nấu để gia nhiệt cho các thiết bị khác... đã được áp dụng hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tạo sự tăng trưởng hiệu quả, bền vững.

Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng bằng cách chủ động cải thiện hệ thống dây chuyền sản xuất, tối ưu hóa công suất của thiết bị phụ trợ trong quy trình sản xuất.

Cụ thể, Công ty đã đầu tư cải tạo hệ thống điện của lò luyện, nâng cấp điện áp từ 950V lên 1800V; chi hàng chục tỷ đồng để cải tạo hệ thống nạp nguyên liệu từ bán liên tục (tức nạp từng khối phế liệu riêng lẻ) bằng hệ thống cầu trục và mâm từ thành nạp liên tục bằng hệ thống băng tải liệu, phế liệu được đưa liên tục vào lò và không bị đứt quãng… Nhờ áp dụng các chương trình cải tiến công nghệ đã giúp đơn vị tiết giảm tiêu hao điện năng đến hơn 20%, giảm thời gian nấu luyện từ 110 phút xuống 80 phút/mẻ thép.

Những giải pháp tiết kiệm năng lượng mà các doanh nghiệp tại Đắk Lắk đã áp dụng thực sự mang lại hiệu quả, không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và còn góp phần tích cực trong việc thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả".

Theo thống kê, năm 2021 sản lượng điện toàn tỉnh Đắk Lắk tiết kiệm đạt hơn 39 triệu kWh.

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đặt mục tiêu 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định.

Phấn đấu vận động 90% doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp và 70% doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.


  • 06/06/2022 02:38
  • Khánh An
  • 1046