Dịch COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đến các dự án năng lượng tái tạo trên thế giới?

Dịch COVID-19 đang lan rộng trên thế giới, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) cũng không phải là ngoại lệ.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến các dự án NLTT

Các dự án bị đình trệ

Đầu tháng 4 vừa qua, Wood Mackenzie - Cơ quan nghiên cứu và tư vấn NLTT đã đưa ra dự báo, tổng công suất năng lượng mặt trời năm 2020 của thế giới từ 129,5 GW giảm xuống 106,4 GW, giảm 18% so với thời điểm so với dự báo của họ trước dịch COVID-19. Theo Bloomberg New Energy Finance (BNEF) - Tổ chức nghiên cứu, tư vấn toàn cầu về lĩnh vực năng lượng sạch, dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên toàn cầu trong năm 2020. Dịch có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.​ BNEF dự báo, năm 2020, số lượng các nhà máy NLMT được xây dựng mới trên thế giới sẽ giảm. Đặc biệt, BNEF cũng đã hạ mức dự báo nhu cầu năng lượng mặt trời toàn cầu trong năm nay từ 121 - 152GW xuống còn từ 108 - 143GW. Đối với năng lượng gió, BNEF cho rằng, việc đạt con số 75,4GW công suất điện gió lắp đặt vào năm 2020 là khó trở thành hiện thực. 

Theo ông Abigail Ross-Hopper, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội các ngành Công nghiệp NLMT (SEIA), ngành công nghiệp NLMT đang gặp rủi ro lớn do dịch COVID-19. Hàng loạt dự án bị đình trệ, hàng vạn công nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Theo phân tích của Morgan Stanley - một trong các ngân hàng đầu tư lớn có trụ sở tại Mỹ, các công ty sản xuất pin mặt trời, tuabin gió và công nghệ năng lượng xanh tại Mỹ sẽ phải áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Cụ thể, Mỹ sẽ giảm lần lượt 48%, 28% và 17% hoạt động lắp đặt các nhà máy điện mặt trời trong quý II, III và IV năm 2020.

Đầu tháng 4 vừa qua, Vestas - nhà sản xuất tuabin gió lớn trong lĩnh vực NLTT, có trụ sở tại Đan Mạch đã tạm dừng sản xuất năm 2020, do sự lây lan của dịch COVID-19. Ông Hen Henrikenen - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Vestas, cho biết: “Đây là việc rất khó khăn đối với chúng tôi. Đại dịch tiếp tục lan rộng và chưa có điểm dừng, các thị trường điện gió quan trọng như Mỹ, Brazil và Ấn Độ chưa biết khi nào sẽ hồi phục trở lại. Chúng tôi mong sớm vượt qua giai đoạn này và tiếp tục phát triển”.

Dù giữa mùa dịch COVID-19, Nhà máy điện mặt trời Núñez de Balboa (Tây Ban Nha) lớn nhất châu Âu đã chính thức đi vào vận hành vào đầu tháng 4.

Ánh sáng cuối đường hầm

Vẫn theo dự báo của BNEF, tình hình sẽ sớm được cải thiện ngay khi dịch COVID-19 giảm. Các dự án điện gió và điện mặt trời tại các nước được kỳ vọng sẽ sớm được khôi phục trở lại. Đơn cử, vào đầu tháng 4, nhà máy ĐMT Núñez de Balboa, nằm tại vùng Extremadura, phía tây của Tây Ban Nha đã chính thức đi vào vận hành. Nhà máy có công suất 500 MW, được coi là nhà máy điện mặt trời lớn nhất của Châu Âu, với hơn 1,4 triệu tấm pin mặt trời và có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 250.000 người/năm. Nhà máy này được hoàn thành vào tháng 12/2019, là kết quả hợp tác giữa 2 tập đoàn năng lượng lớn của nước này. Việc chính thức đi vào vận hành tại thời điểm này được xem là điểm sáng đối với ngành năng lượng khi kinh tế thế giới đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, chính phủ nhiều nước đang tích cực hỗ trợ các dự án NLTT hiện đang đình trệ. Vừa qua, Chính phủ Pháp đã công bố một số giải pháp hỗ trợ các dự án về sản xuất điện từ NLTT. Theo đó, sẽ gia hạn cho những dự án bị gián đoạn về tiến độ; tạm hoãn quyết định giảm giá mua điện mặt trời áp mái trong 3 tháng (giá mua điện các dự án điện mặt trời áp mái dự kiến hạ kể từ ngày 1/4); tạm hoãn toàn bộ hoặc một phần các phiên mời thầu theo giai đoạn...

Trước đó, Pháp đã tăng thêm hỗ trợ cho điện NLTT, khoảng 7,916 tỷ euro vào năm 2020 (tăng 1,75% so với năm 2019). Số tiền này được trang trải cho các dịch vụ công, gồm cả các khoản liên quan đến mua lại các nguồn NLTT và hỗ trợ thuế quan ở các lãnh thổ nước ngoài. Đây là một phần trong kế hoạch của Pháp với mục tiêu giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, giảm dần thị phần của năng lượng hạt nhân và hướng tới một nước Pháp “không carbon” đến năm 2050. Mục tiêu này nằm trong kế hoạch bảo vệ môi trường  sinh thái mà Pháp công bố cuối năm 2018.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng đây cũng là cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch. Chính phủ các nước có thể phân bổ các gói kích cầu nền kinh tế, tận dụng thời cơ phát triển mạnh các nguồn năng lượng sạch.


  • 08/05/2020 10:11
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2355