Để điện mặt trời áp mái phát triển như mong muốn...

Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó điện mặt trời trên mái nhà được cho là có nhiều tiềm năng để khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay nguồn năng lượng này chưa phát triển như mong muốn. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: Ng.Tuấn

PV: Nguồn điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời áp mái được xem là có nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Võ Quang Lâm: Với công suất nhỏ, tiện dụng, điện mặt trời áp mái không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực về đầu tư nguồn điện, giảm ô nhiễm môi trường. Thêm nữa, nguồn điện này có thể nối lưới trực tiếp vào lưới điện hạ thế và trung thế, không gây quá tải, nên điện mặt trời áp mái mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Đối với các hộ dân, khi lắp đặt mô hình này có thể khiến nhiệt độ trong nhà mát hơn, tiết kiệm chi phí, có thể bán điện dư cho EVN…

PV: Vậy, thời gian qua, đã có những chính sách gì hỗ trợ nguồn điện này?

Ông Võ Quang Lâm: Với mục tiêu phát triển điện mặt trời đạt 1GWp vào năm 2020, Thủ tướng CP đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg (ngày 25/11/2015), phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg (ngày 11/4/2017), về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 11); Bộ Công Thương ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT (ngày 12/9/2017) quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (Thông tư 16).

Bên cạnh đó, để gỡ vướng cho điện mặt trời áp mái về các vấn đề liên quan như: Thuế, bù trừ điện năng, cách thức thanh toán… ngày 8/1/2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 11, theo đó, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều.

Bên mua điện (EVN) thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án điện mặt trời áp mái phát lên lưới điện với giá 9,35 US cent/kWh. Tuy nhiên, hiện các quy định này đã hết hiệu lực.

Với các lợi ích của điện mặt trời, vừa qua Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng giá bán điện 9,35 US cent/kWh đến hết năm 2021 và đồng thời trong dự thảo này, Bộ cũng đề xuất thêm các mô hình điện mặt trời khác nhau như: Bán toàn bộ cho EVN, tự dùng một phần và bán phần dư cho EVN, bán một phần cho hộ tiêu thụ khác và phần dư bán cho EVN, bán toàn bộ cho hộ tiêu thụ khác trong khu công nghiệp để tiếp tục thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư điện mặt trời áp mái.

Hiện nay, miền Trung và miền Nam được đánh giá có điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời áp mái, vì có số giờ nắng trung bình cao, từ 2.000 đến 2.600 giờ/năm. Theo tính toán, một hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái diện tích 20m2 sẽ cho công suất 3 kWp. Suất đầu tư cho 1 kWp xấp xỉ 20 triệu đồng. Trung bình lượng điện sản sinh được sử dụng tại chỗ 20%, 80% còn lại được bán cho công ty điện lực. Như vậy, thời gian thu hồi vốn khoảng 8 năm.

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đã khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào điện mặt trời áp mái. Bộ đặt mục tiêu 100.000 hệ thống sẽ được lắp đặt, vận hành vào cuối năm 2025.

PV: Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng đến nay mới có khoảng 8.000 hộ dân lắp đặt với tổng công suất 40,46 MWp. Con số này còn khiêm tốn và đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Ông Võ Quang Lâm: Đúng là con số này còn nhỏ so với tiềm năng vì nhiều hộ gia đình còn thiếu thông tin về điện mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, một số hộ dân còn lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu cao...

Tuy nhiên, người dân nên tìm hiểu để có thông tin đầy đủ bởi việc đầu tư cho mô hình này sẽ mang đến những lợi ích thiết thực. Tôi lấy ví dụ, với các hộ gia đình đơn lẻ, khi lắp đặt thêm điện mặt trời áp mái sẽ giúp tiền điện trung bình các hộ phải trả thấp hơn rất nhiều. Còn với doanh nghiệp, xí nghiệp, cơ quan, hiện nay nếu sử dụng nhiều điện vào giờ cao điểm thì giá điện phải trả cao hơn; trong khi điện mặt trời áp mái khả năng được huy động cao trùng với thời điểm doanh nghiệp phải huy động điện nhiều vào giờ cao điểm… Như vậy, sẽ giảm được chi phí cho doanh nghiệp.

Hiện nay, giá thành lắp điện mặt trời đang rẻ đi rất nhanh. Cùng với đó, một động lực lớn để các doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân chủ động đầu tư dự án điện mặt trời là được tổ chức tín dụng có cơ chế ưu đãi vốn vay với tỷ lệ 70%, thời hạn cho vay 5 năm. Các hộ gia đình có thể tiếp cận gói vay này tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) với mức tối đa 200 triệu đồng, thời gian vay 24 tháng. Bên cạnh đó, HDBank có đối tác liên kết chuyên lắp đặt, thi công, bảo trì, bảo hành hệ thống điện mặt trời áp mái, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân an tâm và có nhiều chọn lựa trong việc quyết định lắp đặt điện mặt trời áp mái.

Để thúc đẩy điện mặt trời áp mái, EVN cam kết hỗ trợ tối đa mọi yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. EVN sẽ tiếp tục tiên phong trong công tác tuyên truyền, triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái để người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích, hiệu quả từ những mô hình này mang lại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


  • 22/08/2019 10:25
  • Nguồn: Hà Nội Mới
  • 2857