DN sản xuất giấy: Đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng, tăng sức cạnh tranh

Thông tư số 24/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định định mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất giấy chính thức có hiệu lực từ ngày 10/1/2018, buộc các doanh nghiệp sản xuất giấy phải chú trọng áp dụng các biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đầu tư vào các thiết bị mới nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng hiện đang được các cơ sở sản xuất giấy chú trọng - Ảnh: Ng.Tuấn.

Là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành giấy tham gia Mạng lưới Hiệu quả năng lượng, Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương đã tập trung mấu chốt vào những hệ thống tiêu hao điện cao như hệ thống nghiền bột, hệ thống bơm chân không, hệ thống ép, hệ thống lò hơi.

Ông Phạm Quyết Tiến – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương cho biết, do sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực giấy, bao bì nên sản lượng điện, than công ty sử dụng khá lớn. Năm 2016, công ty sử dụng xấp xỉ 20 triệu kWh điện và năm 2017 khoảng 22 triệu kWh.

Tuy nhiên, năm 2017, nhờ tập trung vào một số giải pháp chủ chốt tiêu hao năng lượng cao như hệ thống cuộn thủy lực, hệ thống nghiền, các hệ thống lò hơi, ép sấy, nên lượng điện tiêu thụ trên 1 tấn sản phẩm đã giảm đáng kể, từ 621 kWh (năm 2016) xuống còn 541 kWh (năm 2017). Tương tự, lượng tiêu hao hơi bình quân năm 2016 là 3 tấn hơi/tấn sản phẩm, đến 2017 đã giảm xuống 2,5 tấn hơi/tấn sản phẩm.

Một giải pháp khác nhằm giúp tiết kiệm năng lượng đang được công ty chuẩn bị đầu tư là tăng độ khô của giấy trước khi vào buồng sấy bằng phương pháp cơ học, khi đó tiêu hao năng lượng buồng sấy sẽ giảm. Do đó, công ty đã chuẩn bị đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống ép nhằm nâng độ khô của giấy trước sấy. Nếu như trước đây giấy khô khoảng 44-46% thì sắp tới phấn đấu đạt 50%. Theo tính toán, việc nâng thêm 4% độ khô của giấy sẽ giúp công ty giảm tiêu hao năng lượng buồng sấy đến 16%. Đây là mục tiêu trọng tâm của công ty và để đạt được hiệu quả này, công ty đã mạnh dạn đầu tư cho dự án nâng cao độ khô là 5 tỷ đồng với thời gian hoàn vốn từ 1 – 2 năm.

Xí nghiệp In Bao bì Giấy Liksin - Chi nhánh Tổng công ty Liksin, cũng là thành viên của Mạng lưới Hiệu quả năng lượng với nguồn năng lượng sử dụng chính trong nhà máy là điện năng, tỉ lệ dầu DO sử dụng rất nhỏ. Vì vậy, các giải pháp tiết kiệm năng lượng chủ yếu hướng đến là hệ thống khí nén và hệ thống chiếu sáng.

Đối với hệ thống khí nén, xí nghiệp đã khắc phục các vị trí rò rỉ, giảm tỉ lệ này xuống còn 10%, tiết kiệm khoảng 20% tổng điện năng tiêu thụ của hệ thống khí nén. Đồng thời, xí nghiệp cũng đầu tư cho hệ thống khí nén trung tâm bằng cách thay máy nén khí Piston bằng máy nén khí trục vít có hiệu quả năng lượng cao hơn, tiết kiệm khoảng 27% điện năng tiêu thụ cho máy nén.

Bên cạnh đó là giải pháp thay thế hệ thống chiếu sáng. Hiện nay tỉ lệ đèn LED chiếm 33,5% tổng số lượng đèn của xí nghiệp, đèn T8-36W chiếm 22,2% và bóng đèn huỳnh quang compact 44,3%. Ngoài ra, xí nghiệp cũng tiến hành áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 để kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng tốt hơn và bền vững hơn.

Theo khảo sát, đánh giá của Tổng công ty giấy Việt Nam, chi phí năng lượng trong sản xuất giấy và bột giấy chiếm đến 20 – 30% chi phí sản xuất đang ở mức khá cao. Với khoảng hơn 500 doanh nghiệp sản xuất giấy, có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 15 – 18%, nhu cầu năng lượng cho ngành giấy sẽ tăng rất nhanh trong các năm tới. Vì thế, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành là rất cao và là ưu tiên hàng đầu hiện nay.


  • 14/01/2018 01:50
  • Thành Trung
  • 3551