Sau ngày 31/12/2020, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực. Trong khi, cơ chế giá mới cho điện mặt trời vẫn chưa có khiến nhiều nhà đầu tư đang rất ngóng chờ.
Nêu quan điểm về cơ chế giá mới cho loại năng lượng tái tạo này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học, Ủy viên BCH Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với các dự án điện mặt trời quy mô lớn cần phải chuyển sang cơ chế đấu thầu, đảm bảo tính hội nhập, cạnh tranh và tính thị trường.
Việc áp dụng cơ chế đầu thầu cũng giúp cho chủ đầu tư giảm chi phí sản xuất kinh doanh, người dân được mua điện giá rẻ. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư cần tính toán để có nguồn phát "hấp dẫn nhất".
Điện mặt trời đã đóng góp trong việc đảm bảo nguồn điện - Ảnh: Thành Trung. |
Đối với cơ chế điện mặt trời mái nhà, ông Tuấn cho rằng, nên sang cơ chế FIT 3, theo hướng thấp đi từ 6,7 đến 6,9 UScents/kWh. Lý giải về điều này, ông Tuấn cho biết, điện mặt trời ở Việt Nam và thế giới phát triển nhanh, kéo theo công nghệ, hiệu suất cao, giá thành rẻ nhanh, nên nhà đầu tư sẽ giảm được nhiều chi phí sản xuất. Ông Tuấn tính toán từ năm ngoái đến năm nay, giá thành thiết bị cho dự án điện mặt trời có thể giảm 30-40%.
“Trước kia chúng ta chỉ có những tấm pin mặt trời 320-380W, giờ chúng ta đã có những tấm pin 450W, sang năm nay có thể lên tới 650W. Như vậy, thiết bị ngày càng hiện đại, giá thành giảm đi thì chi phí sản xuất cũng phải tính toán tiết giảm", ông Tuấn phân tích.
Điều này đồng nghĩa với việc, giá FIT trong lần điều chỉnh này sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm để tiếp cận gần hơn với cơ chế thị trường.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia về giá - Ngô Trí Long, cũng cho rằng, không nên kéo dài cơ chế FIT mà nên chuyển sang cơ chế đầu thầu ngay, bởi cơ chế giá FIT thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cấp.
Theo ông Long, tiềm năng về năng lượng mặt trời ở Việt Nam lớn, và phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu. Ở giai đoạn đầu, nhắm khuyến khích các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo, chúng ta có cơ chế giá FIT. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, cơ chế giá FIT của chúng ta chưa thống nhất.
"Bản thân tôi là người chuyên nghiên cứu về giá cũng cảm thấy khó hiểu khi việc tính toán chi phí cực kỳ phức tạp", chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Trong khi tiềm năng về điện mặt trời ở nước ta lớn thì giá lại rất cao. Mức giá mua bán điện mặt trời khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường. Điều này khiến cho các nhà đầu tư ồ ạt phát triển điện mặt trời vì khoản "lợi nhuận kếch xù". Trong lĩnh vực điện, sản xuất phải gắn với tiêu dùng, nếu không tiêu dùng hết thì phải có truyền tải, nhưng để đầu tư vào hệ thống truyền tải thì chi phí lại quá lớn. Điều đó dẫn đến việc chúng ta phải cắt hàng triệu kWh điện mặt trời trong thời gian qua.
Cũng theo chuyên gia này, muốn chuyển sang cơ chế đấu thầu, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng có quy định, các văn bản rõ ràng, tránh nhóm lợi ích đằng sau, gây thất thoát cho nhà nước. Đồng thời, nhà đầu tư điện mặt trời cũng đang rất kỳ vọng vào chính sách dài hạn, để doanh nghiệp ổn định trong sản xuất kinh doanh.
Link gốc