Chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh: Giải pháp nào?

Đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP 26. Có thể nói, đây là một mục tiêu khá tham vọng và để hiện thực hóa, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những giải pháp quyết liệt.

Trách nhiệm từ trung ương đến địa phương

Vấn đề chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững được đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị COP 26 với việc lần đầu tiên gần 50 quốc gia trong đó có Việt Nam đã tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Có thể nói, đây là một mục tiêu lớn, đòi hỏi quyết tâm cao ở phạm vi toàn cầu và của các quốc gia.   

Tại Hội nghị Tác động của COP 26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh tổ chức vào giữa tháng 8/2022, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để hướng tới một hành tinh bền vững cho thế hệ mai sau, con đường duy nhất mà chúng ta phải thực hiện đó là tiếp tục theo đuổi mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững nghĩa là vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời từng bước chuyển đổi cơ cấu sang năng lượng sạch, thân thiện với môi trường được xem là yếu tố then chốt. 

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc cụ thể hóa từ cam kết toàn cầu thành mục tiêu quốc gia đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam - một nước đang phát triển. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu này, vấn đề lớn nhất là nguồn lực thực hiện. 

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam vừa mới công bố (CCDR), tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử các-bon, hướng tới phát thải ròng bằng 0 có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm. Chính vì vậy, cần tính toán kỹ lưỡng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ cho việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra, đồng thời phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch các ngành, lĩnh vực. 

Song song đó, quá trình chuyển dịch năng lượng cần giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó đặc biệt lưu ý đến tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và việc chuyển đổi, mất việc làm của người lao động trong các ngành, lĩnh vực như từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. 

Đặc biệt, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân; sự hỗ trợ về mặt tài chính/kỹ thuật từ các quốc gia phát triển…

EVN đề xuất triển khai đầu tư điện mặt trời trên lòng hồ các nhà máy thủy điện nhằm chuyển dịch năng lượng hiệu quả. Ảnh: Ban Truyền thông EVN cung cấp

Sự chủ động của EVN

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xác định một số định hướng chuyển dịch năng lượng. Cụ thể, EVN sẽ tính toán tối ưu, lựa chọn tỷ lệ các loại hình nguồn điện phù hợp; phát triển các nhà máy nhiệt điện dùng khí tự nhiên hóa lỏng và các nguồn điện năng lượng tái tạo; chú trọng nghiên cứu công nghệ ứng dụng các nguồn nhiên liệu mới ít phát thải như khí hydro xanh… EVN cũng xác định lộ trình nâng cấp, áp dụng các giải pháp công nghệ để lưu trữ và xử lý khí thải nhà kính đối với các nhà máy nhiệt điện truyền thống; đề ra lộ trình loại bỏ các nhà máy cũ không còn đáp ứng các tiêu chuẩn về niên hạn và phát thải.

Bên cạnh đó, EVN tập trung phát triển hệ thống lưới điện truyền tải giải tỏa công suất đồng bộ với lộ trình đầu tư nguồn điện đến năm 2045; nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ, hiện đại hóa, nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải, giảm tỷ lệ tổn thất trên lưới điện; phát triển lưới điện thông minh, kết hợp với xây dựng thị trường dịch vụ phụ trợ cho nguồn và phụ tải điện, nhằm nâng cao tính linh hoạt vận hành lưới điện. Song song đó, EVN sẽ đẩy mạnh việc huy động các nguồn vốn ưu đãi trong và ngoài nước để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và khuyến khích chuyển dịch năng lượng.

Cũng theo EVN, để triển khai, thúc đẩy hiệu quả chương trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, nhu cầu đầu tư trong giai đoạn tới của EVN là rất lớn. Hiện nay, EVN đang triển khai dự án “Tăng cường hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo - Vietnam Renewable Energy Accelerating Change - REACH” vay vốn WB và Quỹ Canada, trị giá 202 triệu USD. EVN cũng đang kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, đề nghị WB tiếp tục cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi cho các dự án điện giai đoạn 2025-2035 với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD; hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng chiến lược chuyển dịch năng lượng với các nghiên cứu lộ trình, phân tích, tính toán và đánh giá từng hoạt động cụ thể...

Bên cạnh đó, EVN cũng đã đưa ra một số đề xuất để triển khai như: bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư điện gió ngoài khơi khu vực Bắc Bộ để tăng cường nguồn cấp điện khu vực phía Bắc và kết hợp đảm bảo an ninh quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính; bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư điện mặt trời trên lòng hồ các nhà máy thủy điện của EVN và các đơn vị trực thuộc để tận dụng mặt bằng, hạ tầng truyền tải sẵn có và phối hợp vận hành tối ưu với các nhà máy thủy điện; nghiên cứu đề xuất đầu tư các nguồn lưu trữ và các nhà máy thủy điện tích năng để vận hành tối ưu và an toàn hệ thống khi tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao; đầu tư các công trình lưới điện theo quy hoạch nhằm tăng cường, củng cố cơ sở hạ tầng hệ thống truyền tải điện... 

Để chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, giai đoạn 2025-2030, EVN cần phải huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện lên tới 6 tỷ USD/năm

 


  • 06/10/2022 10:09
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực
  • 1152