Cần có quy hoạch tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia

Cần có quy hoạch tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia; cần xem xét về vấn đề giá điện thấp, chưa khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm... là những kiến nghị đề xuất tại Hội thảo “Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 21/8. Tietkiemnangluong.vn lược ghi những ý kiến, trao đổi của một số đại biểu tham dự Hội thảo.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Cần có quy hoạch tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia

Ngành năng lượng nước ta ngày càng lớn mạnh, tuy nhiên tình trạng khai thác nguồn năng lượng vẫn còn manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể. Trong khi đó, quy hoạch phân ngành điện, than, dầu khí, năng lượng mới - năng lượng tái tạo lại được xây dựng riêng rẽ (khi chưa có chiến lược phát triển năng lượng quốc gia), nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các “ông lớn” ngành năng lượng trong thực hiện chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đặc biệt, giá của các loại nhiên liệu - năng lượng là đầu ra và đầu vào của nhau chưa cân đối và tương quan hợp lý. Ví dụ, giá than nội địa tính cho các dự án nhà máy nhiệt điện trong Quy hoạch điện không phản ánh thực sự đầy đủ thành phần chi phí nhiên liệu trong giá thành, sản xuất điện.

Chính vì vậy, Việt Nam cần phải có một quy hoạch tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia gồm các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, để các đơn vị này phối hợp chặt chẽ với nhau, thúc đẩy chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương: Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy TKNL trên toàn quốc. Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về TKNL còn hạn chế.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL; cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn hạn chế. Chương trình hỗ trợ 30% tổng số vốn đầu tư về dây chuyền công nghệ, thiết bị hiệu suất cao cho các doanh nghiệp và không quá 5 tỷ đồng cho một doanh nghiệp không thu hút được các doanh nghiệp tham gia.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý ở các địa phương còn lúng túng trong việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện các quy định về Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Giá năng lượng trong năm 2013 đã tăng gần 10%, nhưng so với khu vực vẫn còn thấp, không thúc đẩy được các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Thời gian tới, Tổng cục Năng lượng sẽ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng cho một số ngành công nghiệp như gang, thép, giấy, chế biến thủy sản…; đồng thời xây dựng và triển khai các cơ chế tài chính thúc đẩy các dự án đầu tư vào TKNL như các cơ chế cho vay ưu đãi, cơ chế hợp đồng dịch vụ năng lượng (ESCO)…

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc EVN: Giá điện thấp, chưa khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm

Giữ vai trò chủ đạo trong việc cung ứng điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, EVN luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội và đang đi đầu trong thực hiện các giải pháp và tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Trong giai đoạn 2011-2014, EVN đã dành 450 tỷ đồng cho các chương trình tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn tình trạng sử dụng năng lượng lãng phí. Trong khi đó, công tác kiểm tra và giám sát việc thực thi các quy định của nhà nước về sử dụng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa được thực hiện nghiêm, mức xử phạt chưa đủ tính răn đe, nên nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ.

Công tác quản lý thị trường các loại hàng hóa, thiết bị có hiệu suất cao, TKNL còn hạn chế, nhiều mặt hàng có chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện trên thị trường (đèn compact, đèn LED, quạt điện, điều hòa…), gây khó khăn cho người dân khi lựa chọn tiết bị TKNL.

Đặc biệt, giá điện vẫn còn thấp, chưa tiệm cận với giá thị trường dẫn tới không khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm. Nên chăng, trong chính sách giá điện dành một phần chi phí cho công tác bảo vệ môi trường. Nhà nước sẽ trích khoản phí này để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị hiệu suất cao, vừa bảo vệ môi trường, vừa TKNL. Cùng với đó, nhà nước cũng cần xét cơ chế giá điện hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển các dạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, vốn có nhiều tiềm năng ở Việt Nam.

Công tác tiết kiệm điện chưa hiệu quả, trong khi phụ tải của một số ngành, lĩnh vực tăng đột biến khiến ngành Điện gặp khó khăn trong việc cung cấp điện. Điển hình, người dân ồ ạt trồng cây thanh long tự phát, tràn lan, không theo quy hoạch, tốc độ phát triển tăng cao 70 - 80%/năm. Dù ngành điện đã cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các phụ tải tăng trưởng “nóng” này.

Ông Kiều Kim Trúc, Phó Ban Khoa học Công nghệ, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt  Nam: Sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng than là vấn đề cấp thiết

Thời gian qua, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện ở nước ta chỉ đạt 28-32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%). Do đó lượng than tiêu hao cho một đơn vị năng lượng của Việt Nam cao hơn nhiều không chỉ so với các nước phát triển, mà so cả với những nước trong khu vực. Chính vì vậy, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên than là yêu cầu cấp thiết.

Để làm được điều đó, nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho ngành Than dể xây dựng thêm nhiều mỏ mới ở Quảng Ninh và Đông Bắc, tăng sản lượng than hàng năm để phục vụ phát triển kinh tế trong tình hình mới. Cùng với đó, ngành Than cũng sẽ không ngừng hoàn thiện và đổi mới thiết bị, tăng cường tận thu tối đa khả năng khai thác lộ thiên, giảm tổn thất và nâng cao chất lượng than.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN): Phải có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư vào các dự án khí

Nguồn cung khí từ các mỏ hiện có đang dần bị suy giảm, sự chênh lệch về giá khí đầu vào từ các nguồn khí khác nhau ngày một mở rộng, gây khó khăn không ít cho hoạt động của PVN.

Trước thực trạng đó, để đảm bảo nguồn cung cấp khí phục vụ cho nhu cầu năng lượng của quốc gia, những năm tới, Chính phủ cần phải có những chính sách nhằm đột phá, khuyến khích các nhà thầu đầu tư vào các dự án khí thượng nguồn/trung nguồn, hỗ trợ PVN trong quá trình triển khai các dự án khí/nhập khẩu khí LNG.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần có các chính sách ưu đãi về thuế cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại những vùng nước sâu, xa bờ, thăm dò - khai thác khí thiên nhiên; ưu đãi thuế cho các nhà máy lọc/hoá dầu nằm trong quy hoạch, nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm lọc/hoá dầu nhập khẩu.

Ông Đào Xuân Hùng, Phó Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Thượng Đình (Cadi-sun): Thiếu hiểu biết về TKNL là rào cản lớn đối với doanh nghiệp

Việc chậm đổi mới các thiết bị sản xuất cũ kỹ, tỷ lệ hao hụt quá nhiều trong khâu chuyển tải; sự thiếu hiểu biết về tiết kiệm năng lượng (TKNL), thiếu công cụ đo, thiếu thông tin về công nghệ TKNL… đang là những rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập.

Nhận thức được vấn đề đó, Công ty chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, vận hành, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận, mang lại lợi ích hàng trăm triệu đồng/năm. Cụ thể, Công ty đã đầu tư mới các dây chuyền, công nghệ thiết bị hiện đại, thế hệ mới của các nước tiên tiến; lắp đặt biến tần (Inverter) cho hầu hết các thiết bị sử dụng động cơ điện xoay chiều, góp phần giảm điện năng đáng kể trong sản xuất... Đặc biệt, Công ty còn khoán định mức tiêu hao năng lượng cho các nhà máy để thúc đẩy tiết giảm năng lượng.

 


  • 21/08/2014 05:06
  • Hồng Hoa (lược ghi) - Ảnh: Ngọc Tuấn
  • 2746