Các quốc gia Ả Rập chuyển hướng sang năng lượng mặt trời

Với những sa mạc rộng lớn, các quốc gia Ả Rập đã tận dụng lợi thế này để phát triển nguồn năng lượng sạch dồi dào - năng lượng mặt trời.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: www.economist.com

Ở sa mạc phía Nam, cách nửa giờ lái xe từ Aswan, Ai Cập đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của trang trại Benban, một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. 6 triệu tấm pin mặt trời tại đây có thể sản xuất sản lượng điện đủ cung cấp cho hơn 1 triệu gia đình. 

Phần lớn các nước Trung Đông và Bắc Phi phát triển từ xuất khẩu dầu. Lượng vàng đen được xuất khẩu từ các nước này nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Nguồn thu từ dầu của Trung Đông chiếm tới 1/4, trong khi từ các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm 3%. Sự sụt giảm giá dầu gần đây là một lời "nhắc nhở" rằng sẽ rất rủi ro nếu chỉ phụ thuộc vào một nguồn doanh thu. Và về lâu dài, xu hướng toàn cầu là hướng tới những nguồn năng lượng sạch. 

Với những sa mạc rộng lớn, nguồn năng lượng sạch dồi dào nhất thế giới Ả Rập là năng lượng mặt trời. Hơn 1/3 nguồn năng lượng của Ma rốc hiện nay là từ năng lượng tái tạo. Một dự án năng lượng mặt trời lớn ở Abu Dhabi, thủ đô Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), gần đây đã được nhận mức thầu thuế quan thấp nhất thế giới. Oman, Kuwait và Qatar cũng có nhiều dự án năng lượng tái tạo lớn. Hiện công suất điện mặt trời ở Trung Đông khoảng 9GW, tăng nhiều so với con số khiêm tốn 91MW một thập kỷ trước đây. Từ năm 2008 đến 2018, đầu tư vào lĩnh vực này đã tăng gấp 12 lần.

Sự cạnh tranh của năng lượng tái tạo gia tăng khiến các nhà phân tích lạc quan xu hướng phát triển sẽ vẫn tiếp diễn (xem biểu đồ). Việc xây dựng, duy trì và bảo trì các trang trại năng lượng mặt trời có chi phí rẻ hơn, nhanh hơn và an toàn hơn so với các nhà máy phát điện bằng dầu hay khí ga. Nhà máy phát điện năng lượng mặt trời mới của UAE sẽ sản xuất điện với chi phí bằng khoảng 2/3 chi phí của khí gas và 1/3 chi phí dầu ngay cả ở mức giá thấp hiện nay. Một số quốc gia trong khu vực tuyên bố sẽ trở thành các nước xuất khẩu năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn có lý do để e ngại. Sự bất ổn trong khu vực cũng làm cho các nhà đầu tư lo lắng. Bộ trưởng Bộ Điện lực Iraq đổ lỗi các cuộc biểu tình đã làm hỏng kế hoạch đạt được 20% nhu cầu năng lượng tái tạo vào năm 2030 của đất nước này. Các cuộc xung đột ở các nước láng giềng cũng đã làm những nỗ lực xuất khẩu năng lượng mặt trời sang Li băng của Jordani thất bại. Ai Cập hứa hẹn sẽ mua điện mặt trời với giá cao hơn thị trường để thu hút các nhà đầu tư vào Benban.

Ngoài ra còn có một nguy cơ, trong ngắn hạn, giá dầu rẻ đang làm giảm nhiệt đối với năng lượng mặt trời. Ví dụ, Ả rập Xê út sẽ muốn sử dụng nguồn dầu cho năng lượng nhiều hơn. Sự sụt giảm doanh thu có thể buộc các quốc gia sản xuất dầu "đình chỉ" các dự án năng lượng mặt trời mới.

Tuy nhiên năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục được đánh giá có ưu thế hơn so với nhiên liệu hóa thạch. Paddy Padmanathan - đại diện Công ty Điện lực ACWA (Ả rập Xê út) cho biết “Có sự gia tăng các cuộc đấu thầu năng lượng tái tạo thời COVID-19. Tại sao chúng ta lại chi tiền để lấy nhiên liệu ra khỏi mặt đất và xử lý chúng mà không sử dụng nguồn nhiên liệu có sẵn từ mặt trời và gió?”.


  • 11/05/2020 09:26
  • Huyền Lê (Theo economist.com)
  • 1289