Bóng đèn compact giúp tiết kiệm 60% chi phí điện năng

Chiếu sáng chiếm tỉ lệ cao nhất trong giá thành sản xuất một số loại nông sản như thanh long, hoa cúc hay mô hình nuôi cấy mô. Việc sử dụng bóng đèn có phổ ánh sáng phù hợp với nhu cầu của cây vừa giúp tiết kiệm điện, vừa tăng hiệu quả thắp sáng.

Nông dân, doanh nghiệp đều hào hứng

Từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016 vừa qua, ông Lê Hoàng Thắm (ngụ huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) được mời tham gia chương trình thử nghiệm bóng đèn mới cho vườn thanh long của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Đây là vụ nghịch nên thông thường, vườn thanh long cần được chiếu sáng rất nhiều mới có thể ra hoa, đậu quả.

Trong suốt quá trình thử nghiệm, ông Thắm rút ra kết luận, bóng đèn compact 20 W cho ánh sáng đỏ của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông mang lại hiệu quả cao nhất, cây ra hoa nhiều, đồng thời, không bị ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển khác của cây.

Cụ thể, ông Thắm cho biết, đối với loại bóng đèn đỏ chuyên dụng cho cây thanh long của Rạng Đông, ông chỉ phải thắp sáng 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm so với việc thắp sáng 11 tiếng khi sử dụng các bóng đèn cùng công suất khác. Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm từ 250.000 – 500.000 đồng/1.000m2/vụ.

Triển lãm các loại bóng đèn compact chuyên dùng cho thanh long, hoa cúc và phòng nuôi cấy mô của Rạng Đông.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Sơn –Tổng Giám đốc Công ty Rừng Hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), cho biết, doanh nghiệp mỗi năm sản xuất 24 triệu cây giống hoa các loại, 90% trong số này được xuất khẩu sang các nước Châu Âu với yêu cầu về chất lượng rất khắc nghiệt. Do đó, ông Sơn cho rằng, việc áp dụng sản phẩm là tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Ông cũng cân đo đong đếm từng khoản chi phí giá thành để có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Từ dự án chỉ sử dụng 200 bóng đèn compact Rạng Đông lúc ban đầu, đến nay, Rừng Hoa Đà Lạt đã chuyển sang dùng loại bóng đèn này để chiếu sáng cho toàn bộ phòng lab với tổng số bóng đèn hơn 30.000 chiếc.

Ông Sơn nhận định, khi chuyển từ việc sử dụng bóng đèn dây đốt sang bóng đèn compact ánh sáng đỏ của Rạng Đông, nhà vườn có thể tiết kiệm chi phí điện năng khoản 8 triệu đồng/ha/vụ. Hiện cả nước có khoảng 7.000 ha nhà kính, trong đó hơn 5.000 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung ở tỉnh Lâm Đồng. Nếu chuyển từ sử dụng bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn compact, có thể tiết kiệm được đến 74 tỷ đồng chi phí giá thành mỗi năm.

Sẽ nhân rộng trong tháng 8

GS.TS Nguyễn Quang Thạch – nguyên Viện trưởng Viện sinh học Nông nghiệp cho rằng, việc chiếu sáng trong nông nghiệp hiện nay tiêu tốn rất nhiều điện năng. Trên thực tế sản xuất hiện nay, nhiều bà con nông dân sử dụng đèn huỳnh quang, là bóng đèn có phổ ánh sáng phù hợp với mắt người nhưng lại không thích hợp với cây trồng. Do đó, cây trồng không thể hấp thụ được dù nông dân có tăng tần suất chiếu sáng.

Không những thế, một số loại cây trồng như thanh long là cây ngày dài đêm ngắn, hoa cúc lại là cây ngày ngắn đêm dài nên yêu cầu tần suất chiếu sáng khác nhau. Do đó, việc tìm ra thời gian chiếu sáng phù hợp sẽ giúp tối đa hóa việc sử dụng điện năng, nâng cao năng suất cây trồng.

Sau hơn 2 năm thực hiện, đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp” đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đề tài thuộc Chương trình Đổi mới Công nghệ quốc gia, do Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông chủ trì, phối hợp với Viện sinh học Nông nghiệp, Viện Tiên tiến khoa học và Công nghệ (Đại học Bách khoa Hà Nội), Viện Sinh học nông nghiệp Nguyễn Tất Thành triển khai từ năm 2013 đến nay.

Ông Thạch cho biết, dự án đến nay đã nghiên cứu, tìm ra được phổ ánh sáng chuyên dụng giúp kích thích cây thanh long ra hoa, ngăn chặn hoa cúc ra nụ sớm cũng như tìm ra nguồn ánh sáng thích hợp cho hoạt động nuôi cấy mô.

Còn theo ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, đơn vị chủ trì đề tài, các loại bóng đèn chuyên dụng mới này giúp nông dân tiết kiệm đến 60% điện năng. Từ đó, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự án cũng có tính khả thi rất cao, Rạng Đông sẽ thực hiện nhân rộng, thương mại hóa các sản phẩm mới này trong tháng 8 tới, kịp thời giúp bà con có thể ứng dụng cho vụ sản xuất thanh long nghịch vụ và vụ mùa hoa cúc cho Tết Nguyên đán 2017.

Đại diện Ban Đổi mới Công nghệ - Bộ Khoa học Công nghệ cũng đánh giá cao tính hiệu quả của đề tài. Đồng thời, mong muốn Rạng Đông đẩy nhanh tiến độ thương mại hóa sản phẩm, có giá bán hợp lý để nông dân có thể tiếp cận với tiến bộ khoa học này.

 


  • 20/06/2016 01:53
  • Theo: danviet.vn
  • 3180