Bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết số 19-NQ/TW nêu rõ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Trong thời gian tới, nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, để đạt được các mục tiêu đề ra phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần chú trọng giải pháp như: Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng xanh; quy hoạch sử dụng đất nông thôn gắn kết với phát triển đô thị, khai thác và phát huy nguồn lực đất đai trong xây dựng, phát triển bền vững kinh tế nông thôn.

Hướng dẫn người dân và doanh nghiệp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Bên cạnh đó, bảo vệ quỹ đất nông nghiệp cả về số lượng, chất lượng; chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, thoái hoá đất; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống phá rừng, suy giảm chất lượng rừng; nâng cao chất lượng và trữ lượng rừng; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ, hải sản, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đồng thời, bảo đảm an ninh, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nguồn nước. Khuyến khích phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường; thu hút doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải, chất thải rắn, trước hết là tại các làng nghề, cụm công nghiệp, dịch vụ, khu xử lý rác tập trung.

Song song với đó, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng tới từng vùng, địa phương; hướng dẫn người dân và doanh nghiệp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng chính sách, lộ trình thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, khí metal trong nông nghiệp phù hợp với cam kết quốc tế. Chủ động phòng, chống thiên tai, sử dụng đồng bộ, hiệu quả các biện pháp công trình và phi công trình; phát huy vai trò của cộng đồng dân cư...

Link gốc


  • 04/08/2022 10:41
  • Nguồn: tapchitaichinh.vn
  • 876