APEC phấn đấu giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng đến năm 2035

Mục tiêu chung của khu vực APEC đang hướng tới là giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng đến năm 2035.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương phối hợp Ban Thư ký APEC tổ chức “Hội thảo APEC về Chia sẻ các thực tiễn tốt cho phát triển mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) về sử dụng năng lượng hiệu quả” tại Hà Nội trong 2 ngày 1và 2/12. Mục tiêu của Hội thảo nhằm hỗ trợ APEC tiệm cận với các mục tiêu về năng lượng hiệu quả thông qua việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các mô hình ESCO về hiệu quả năng lượng và cách thức áp dụng mô hình này tại các nền kinh tế APEC.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Năng lượng cần thiết cho mọi mặt của cuộc sống, đóng vai trò then chốt cho sự vận hành và phát triển của các nền kinh tế. Do vậy, các nền kinh tế cần sử dụng năng lượng hiệu quả để có lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường năng lượng khu vực và thế giới có nhiều biến động. Hiệu quả năng lượng ngược lại cũng góp phần quan trọng trong sự phát triển bền vững tại các nền kinh tế.

Theo nghiên cứu về “Vai trò của hiệu quả năng lượng đối với phát triển bền vững” của Fortune Ganda, Collins C. Ngwakwe vào năm 2014, hiệu quả năng lượng đề cập đến các chính sách, công nghệ và chiến lược khác nhau nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng năng lượng cho dù ở khu dân cư, năng lực thương mại, công nghiệp và trong nước để giảm thiểu phát thải khí nhà kính gây ra sự nóng lên toàn cầu cùng với việc giảm chi phí tài chính. Đặc biệt, có nhiều phương pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, một trong số đó là mô hình ESCO.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, mô hình ESCO là hình thức công ty cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện cho khách hàng như thiết kế và triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, cho thuê hạ tầng năng lượng, phát điện và cung cấp năng lượng, quản lý rủi ro… nhằm giúp khách hàng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Trên thực tế, mô hình ESCO đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… ESCO được triển khai rộng rãi để cải thiện hiệu quả năng lượng cả trong khu vực công và ngành công nghiệp.

Tại Hoa Kỳ, ông Peter Larsen – Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley Hoa Kỳ cho rằng: Mô hình ESCO đã được áp dụng tại Hoa Kỳ từ 20 năm trước, trong khoảng thời gian đó, Hoa Kỳ cũng trải quan những giai đoạn đầu thiết lập thị trường ESCO và hiện đã đạt được những kết quả nhất định.

Với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả khi đầu tư ESCO trong lĩnh vực công nghiệp là hơn 20%; xây dựng, cao ốc, giao thông là 25-35%; khu dân cư và dịch vụ là 15-30%.

ESCO đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Mô hình kinh doanh này nếu được triển khai tốt sẽ mang lại hiệu quả to lớn thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ, tiếp cận các giải pháp tăng trưởng xanh, giúp doanh nghiệp có điều kiện tham gia các dự án trong nước và quốc tế về sử dụng năng lượng hiệu quả.

Đặc biệt, theo thông tin từ hội thảo, mô hình ESCO được tin tưởng sẽ thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các quy định về sản xuất – kinh doanh. Ngoài ra, ESCO còn tạo ra các tiêu chuẩn đối với nhà cung cấp dịch vụ, làm động lực để họ phải tự hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và đem lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng.

Tuy nhiên, thông tin từ hội thảo cũng cho thấy, mô hình ESCO vẫn còn khá mới mẻ với các nền kinh tế đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện các nền kinh tế đang phát triển đang dần hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho ESCO phát triển trong thời gian tới. Việc triển khai mô hình ESCO tại Việt Nam còn nhiều thách thức vì vẫn thiếu các cơ chế, chính sách.

Chia sẻ về kin nghiệm thành công thực hiện mô hình ESCO tại Hoa Kỳ, ông Peter Larsen cho rằng: Bên cạnh hoàn thiện chính sách, ông Peter Larsen đưa ra khuyến nghị, để có thể phát triển được thị trường ESCO thành công tại Việt Nam và quốc gia khác thì chúng ta cần có những chương trình chứng nhận ESCO.

Trong khi đó, theo bà Ming Zhao – Giám đốc Liên minh Công nghiệp dịch vụ môi trường và năng lượng Trung Quốc cho rằng, đây là thời điểm vô cùng thích hợp để các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam thực hiện mô hình ESCO nhằm hướng tới tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện thành công của mô hình ESCO bên cạnh hỗ trợ chính sách của nhà nước thì cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, sự tham gia của nhà nước đóng vai trò quan trọng, giúp giải quyết những vướng mắc về cơ chính sách và những rào cản về chính sách.

Hội thảo "APEC về Chia sẻ các thực tiễn tốt cho phát triển mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) về sử dụng năng lượng hiệu quả" là đóng góp của Chính phủ Việt Nam vào nỗ lực chung của khu vực APEC hướng tới đạt được các mục tiêu chung APEC: Giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng đến năm 2035 như chỉ đạo của các nhà lãnh đạo APEC.

Kết quả của Hội thảo sẽ được báo cáo lên các diễn đàn liên quan của APEC gồm Nhóm chuyên gia APEC về Hiệu quả năng lượng và bảo tồn năng lượng (EGEEC) và Nhóm công tác APEC về Năng lượng (EWG) nhằm sớm biến định hướng, chính sách thành hiện thực.

 

 


  • 01/12/2022 01:50
  • Nguồn: https://congthuong.vn/
  • 2768