Ðưa điện về với buôn làng

Kéo điện về với các buôn, làng vùng khó khăn ở miền trung và Tây Nguyên là sự quyết tâm của ngành Điện cũng như sự quan tâm đầu tư của Chính phủ. Có điện, đời sống của đồng bào vùng khó khăn này cải thiện rõ rệt, con em được học hành đầy đủ..., bà con biết ơn Ðảng, Chính phủ.

Có điện, đời sống của đồng bào vùng khó khăn này sẽ từng bước được cải thiện

Ðầu tư xây dựng hệ thống điện hoàn chỉnh

Xã Gio Hải (Gio Linh, Quảng Trị), địa phương được chọn thí điểm mô hình điện khí hóa nông thôn ở khu vực miền trung - Tây Nguyên vào năm 1995. Bây giờ, khó có thể nhận ra vùng đất một thời từng được xem là khó khăn, lạc hậu thuộc loại nhất nhì khu vực miền trung.

Chủ tịch UBND xã Gio Hải Trần Thanh Chương cho biết: "Ðiện về Do Hải làm thay đổi toàn bộ bộ mặt kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí. Có điện, hàng loạt ngành nghề được hình thành và phát triển mạnh như chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, chế biến thủy hải sản. Ðến nay, một phần của xã Gio Hải đã được tách ra nâng cấp thành thị trấn Cửa Việt, sự phát triển nhanh chóng đó cũng là nhờ có dòng điện".

Mục tiêu có khoảng 90% số hộ dân nông thôn được dùng điện được đặt ra trong khi miền trung vẫn còn hơn 18%, với gần 300 xã chưa có điện lưới quốc gia. Các xã này hầu hết là những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Ðây là những địa bàn quá rộng, dàn trải, địa hình khó khăn, phức tạp, thời tiết khắc nghiệt; khối lượng công việc lớn, thời gian triển khai ngắn... Song với sự quyết tâm của Ðảng, Chính phủ, nhiều dự án điện được Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, Tổng công ty Ðiện lực miền trung (EVNCPC) đầu tư xây dựng như dự án lưới điện nông thôn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Ðầu tư phát triển châu Á (ADB); các dự án mở rộng lưới điện các xã nông thôn, miền núi; các dự án Năng lượng nông thôn I (REI), REI mở rộng, REII; dự án thành phần lưới điện phân phối nông thôn RD... và hàng loạt các giải pháp khác được triển khai thực hiện, bảo đảm cho lưới điện vận hành an toàn, linh hoạt, cấp điện kịp thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng.

Bên cạnh đó, EVNCPC đã dùng nguồn vốn tự có của mình để đầu tư xây dựng hệ thống điện hoàn chỉnh cho toàn bộ các xã trong vùng dự án và kể cả các xã quá khó khăn, không bảo đảm các tiêu chí để đưa vào danh mục đầu tư... Ðến cuối năm 2004, bản đồ điện khí hóa nông thôn khu vực miền trung có sự thay đổi vượt bậc, tỷ lệ xã có điện đạt 98% và 86% số hộ được sử dụng điện, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu và kế hoạch đề ra. Tiếp tục đầu tư cấp điện đến các thôn, buôn, làng, các hộ dân chưa được dùng điện...

EVNCPC đã triển khai giai đoạn II dự án năng lượng nông thôn trên địa bàn 239 xã khu vực miền trung. Ðồng thời, chủ động phối hợp với hai tỉnh Ðác Lắc, Ðác Nông đưa điện về hơn 73 thôn, buôn vốn là vùng căn cứ cách mạng... Tháng 4-2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình cấp điện cho những buôn, làng chưa có điện ở năm tỉnh Tây Nguyên. Chương trình đã thực hiện cấp điện cho hơn 62 nghìn hộ đồng bào, với tổng số vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2010. Ðiểm đặc biệt của dự án này là ngoài việc xây dựng đường dây trung, hạ thế, trạm biến áp phân phối và công-tơ, dự án còn đầu tư cả mạng điện trong nhà cho các hộ dân... Việc này đã nâng tỷ lệ hộ có điện tại khu vực Tây Nguyên đạt gần 96%. Ðây thật sự là món quà quý của Ðảng, Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên.

Bằng nhiều biện pháp và nguồn vốn tích hợp, đến nay, toàn miền trung - Tây Nguyên đã có 100% số huyện, 99,3% số xã, 97,25% số hộ nông thôn, miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia. Tổng Giám đốc EVNCPC Trần Ðình Thanh cho biết: "Mục tiêu của EVNCPC đến năm 2015 là 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện. Năm 2020, cơ bản tất cả các xã, các thôn, làng và người dân nông thôn miền trung - Tây Nguyên đều có điện".

Ðiện về với buôn làng

Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện ở năm tỉnh Tây Nguyên góp phần thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, để từ đó tạo tiền đề đưa Tây Nguyên từng bước phát triển theo kịp các khu vực khác trong cả nước.

Ðối với tỉnh Ðác Lắc, dự án được thực hiện ở 315 thôn, buôn thuộc 11 huyện của tỉnh. Tính đến nay, dự án đã triển khai lắp đặt 297 trạm biến áp, 479 km đường dây trung áp, 545 km đường dây hạ áp cho gần 23 nghìn hộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðác Lắc Y DHăm Enuôl cho biết: "Ðiện đã đến được với tất cả các xã vùng sâu, vùng xa thuộc 15 huyện, thành phố tỉnh Ðác Lắc, đây là một trong những tỉnh có số đơn vị xã, số thôn, buôn và số hộ có điện cao nhất trong cả nước. Ngành Điện đã đóng góp rất lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao dân trí, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc trong những năm gần đây".

Vào những ngày đầu năm 2013, trên những ruộng bí xanh mơn mởn, người dân quanh bản Mông lại phấn khởi cầm ống đưa dòng nước về tưới mát cho cánh đồng, hy vọng mùa tới bội thu. Một mùa xuân mới sắp về mang theo niềm vui rộn rã trong ánh mắt của bà con làng Ea Puk - mùa xuân của no ấm... Tết này, về Ea Puk không chỉ vui vì có ti-vi, đầu đĩa DVD mở nhạc Xuân rộn ràng mà còn vui vì hoa màu, bí ngô đều sai quả. Buôn Ea Puk không giàu có bằng những buôn, làng khác nhưng Ea Puk đang chuyển mình, dòng điện đang tiếp sức làm thay đổi những mảnh đời lam lũ nơi đây. Ngày có điện về sẽ mãi như một ký ức đẹp trong lòng mỗi người dân bản.


  • 02/03/2013 10:15
  • Theo Nhân Dân điện tử
  • 3417


Gửi nhận xét